Trong vụ án này, Posco VST là nhà cung cấp thép không gỉ cho Thành Nam, hai bên đã ký kết nhiều hợp đồng từ năm 2006 đến năm 2013. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến năm 2013, số lượng hàng hóa giao dịch giữa hai bên đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Quy trình thực hiện hợp đồng gồm: Ký hợp đồng, thanh toán tiền đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng, Thành Nam gửi yêu cầu lấy hàng, xuất hóa đơn VAT, mở thư bảo lãnh, giao hàng.
Về thanh toán, nếu có bảo lãnh, ngân hàng thanh toán tiền hàng cho Posco VST; nếu không có bảo lãnh hoặc bảo lãnh đã quá hạn thì Thành Nam thực hiện việc thanh toán.
Đến giữa năm 2013, hai bên đối chiếu công nợ và có biên bản xác nhận Thành Nam còn nợ Posco VST hơn 58 tỷ đồng. Quá trình làm việc, giữa hai bên có nhiều văn bản, công văn ghi nhận khoản nợ này. Phía Posco VST cho biết, sau này Thành Nam không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Posco VST đã khởi kiện ra Tòa đòi hơn 58 tỷ đồng. Ngoài số tiền gốc hơn 58 tỷ đồng, Posco VST còn yêu cầu bị đơn phải thanh toán hơn 44 tỷ đồng tiền lãi quá hạn.
Tại phiên tòa, hai bên có quan điểm khác nhau về việc xuất hóa đơn, thanh toán, giao nhận hàng hóa thực tế.
Theo nguyên đơn Posco VST, quá trình mua bán, các bên thực hiện thanh toán theo phương thức cộng dồn và xác định số tiền Thành Nam còn phải trả cho Posco VST hơn 58 tỷ đồng.
Phía Công ty Thành Nam cho rằng theo quy trình mua bán hàng hóa giữa các bên thì Posco VST sẽ xuất hóa đơn trước rồi mới giao hàng sau. Vì thế, số tiền hơn 58 tỷ đồng được ghi nhận trên các hóa đơn mà phía Posco VST đã xuất không dựa trên số lượng hàng hóa giao nhận thực tế.
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của Posco VST đã xuất trình hai chứng cứ, gồm 5 bộ mẫu và 5 bộ chứng từ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, trong đó có 56 chứng từ, biên nhận đại diện Công ty Thành Nam đã nhận hàng của Posco VST. Hai bên đã tiến hành đối chất để làm rõ những mâu thuẫn.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị đơn Thành Nam bác bỏ quan điểm của Posco VST nhưng không đưa ra được chứng cứ cụ thể. Nguyên đơn Posco VST có chứng cứ là các công văn, biên bản xác nhận công nợ với Thành Nam, trong đó Kế toán trưởng ký có ủy quyền của đại diện theo pháp luật của Thành Nam.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự, Hội đồng xét xử nhận thấy giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa loại thép không gỉ với nhiều chủng loại, số lượng và mức giá khác nhau. Số lượng hàng hóa và tiền giao dịch là rất lớn thông qua rất nhiều lần giao nhận hàng hóa. Việc thanh toán được thực hiện ngay khi lấy hàng hoặc thanh toán sau khi đã nhận hàng. Các chứng từ thanh toán tiền hàng của bị đơn cho thấy việc thanh toán từng lần được thực hiện theo từng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc thanh toán cho nhiều hóa đơn, có lúc lại thanh toán cho một phần hóa đơn này kèm với một số hóa đơn khác. Thậm chí có khi chỉ ghi thanh toán tiền hàng mà không ghi rõ cho hóa đơn nào và không theo từng lần giao hàng.
Các bên sau nhiều đợt giao hàng, thanh toán mới đối chiếu công nợ. Thực tế, có sự giao hàng trước thanh toán sau được thể hiện trong các văn bản đối chiếu và xác nhận nợ. Rõ ràng giữa hai bên đã hình thành, tồn tại thói quen thương mại về việc mua bán giao nhận hàng hóa và thanh toán phù hợp quy định của Luật Thương mại về thói quen thương mại.
Do vậy, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ khẳng định bị đơn còn nợ tiền mua hàng của nguyên đơn. Việc nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn thanh toán số tiền hàng còn nợ hơn 58 tỷ đồng là có căn cứ, như quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.
Trên cơ sở đó, dựa trên các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Dân sự, Luật Kế toán, Luật Chứng khoán, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đơn khởi kiện của Posco VST. Hội đồng xét xử đã viện dẫn Điều 306, Luật Thương mại năm 2005 quy định trong trường hợp chậm thanh toán, bên vi phạm phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ba ngân hàng thương mại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm trả đối với khoản tiền hàng đã nhận mà chưa thanh toán từ ngày 28/11/2013 đến ngày xét xử sơ thẩm là hơn 42 tỷ đồng.
Sau khi xem xét toàn bộ vụ án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán khoản tiền hàng còn nợ là hơn 58 tỷ đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là hơn 42 tỷ đồng, Tổng cộng bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là hơn 100 tỷ đồng.