Từ vụ bắn chết người ở Thái Nguyên: Cần siết chặt quản lý vũ khí, vật liệu nổ

Chỉ trong thời gian ngắn đã có hai vụ nổ súng cướp đi sinh mạng của những người vô tội. Một số ý kiến luật sư cho rằng: Cần nhìn nhận lại thực trạng chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí cũng như trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng.

Mới đây, tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ nổ súng làm ông L.V.T (sinh năm 1971) tử vong tại chỗ và bà P.T.Đ (sinh năm 1971) vợ ông L.V.T bị thương nặng. Nghi phạm được xác định là L.V.H (sinh năm 1981) người địa phương. Sau khi nổ súng bắn thương vong hai vợ chồng ông T, nghi phạm đã nổ súng tự sát.

Trước đó ngày 30/1, tại điểm dân cư Cơ Họ, bản Khá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cũng xảy ra một vụ nổ súng săn tự chế khiến chị Giàng Thị M (sinh năm 1987) tử vong tại chỗ. Nghi phạm được xác định là Hạng A Do ( chồng của nạn nhân ) hiện bỏ trốn.

Liên quan đến vụ nổ súng tại Thái Nguyên, trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 17/2, luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Về vụ nổ súng ở Thái Nguyên, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ. Vì nghi phạm đã tự sát nên việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm không thực hiện được.

“Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc, loại súng nghi phạm đã dùng để gây án sẽ có ý nghĩa trong việc xem xét có khởi tố, điều tra đối với tội danh tương ứng với cá nhân có liên quan (nếu có) hay không”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, “vũ khí” được xác định là phương tiện; trang thiết bị được chế tạo; sản xuất ra có khả năng mang lại nguy hiểm gây sát thương cho tính mạng, sức khỏe con người hay phá vỡ cơ sở vật chất hạ tầng nghiêm trọng. 

Đại diện Văn phòng luật sư JVN cho biết: Với vụ việc trên, hành vi sử dụng súng bắn dẫn đến hậu quả chết người của nghi phạm đã cấu thành tội “Giết người”. Trường hợp cơ quan điều tra xác định nghi phạm sử dụng súng quân dụng để gây án thì hành vi này cấu thành tội “Tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 304 Bộ Luật hình sự (BLHS). Nếu khẩu súng được xác định là không phải là súng quân dụng (súng săn, vũ khí thể thao, súng tự chế..), hành vi này cấu thành tội tàng trữ, sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vụ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ ( Điều 306 BLHS). 

“Tuy nghi phạm đã tự sát nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự với nghi phạm không đặt ra. Nhưng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định được nguồn gốc của khẩu súng mà nghi phạm có được là do mua bán hoặc chiếm đoạt và xác định được cá nhân có liên quan, cá nhân này sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tội danh tương ứng. Riêng trường hợp nếu khẩu súng dùng để bắn các nạn nhân có được do nghi phạm chiếm đoạt mà có lỗi của người được giao giữ vũ khí thì người được giao giữ vũ khí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 308 - BLHS”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.

Từ thực trạng gia tăng các vụ án hình sự mà đối tương phạm tội có sử dụng vũ khí để gây án trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng: Các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí trong đó có các loại súng bao gồm súng quân dụng, súng săn, súng thể thao, súng tự chế.

Đề cập về vụ nổ súng chết người tại Thái Nguyên, luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết thêm: Trường hợp nghi phạm là người duy nhất gây án và đã tử vong, căn cứ Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS), vụ án sẽ không được khởi tố; đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản Điều 230 BLTTHS.

Tuy nhiên, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu những người thừa kế của hung thủ bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm đến tính mạng. Khi đó, nghi phạm sẽ phát sinh quyền thừa kế tài sản cho những người hưởng thừa kế (thường sẽ là vợ, con, cha, mẹ...). Những người này có trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản mà hung thủ để lại, căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015. Còn trong trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn người chủ mưu, giúp sức hay xúi giục, cơ quan điều tra vẫn sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Nổ súng tại Thái Nguyên làm 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng
Nổ súng tại Thái Nguyên làm 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng

Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngày 15/2, tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ án nghiêm trọng làm 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN