Lực lượng chức năng đã truy quét tại các điểm khai thác vàng trái phép (Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Trang, Đập Thải, Suối Tre, Hố Lò 5, 6, 7, 10, Bãi Thầu Đâu, Nhà máy Đỏ, Ngách Chụm… thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh); phát hiện, phá hủy 12 máy nổ, 2 máy phát điện, 1 máy đục, 30 cối xay đá, 25 lán trại, hàng chục dụng cụ chở đất, hàng ngàn mét ống dẫn nước, dây điện phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Thời điểm lực lượng chức năng tổ chức truy quét, các đối tượng đã rời khỏi khu vực khai thác.
Tại khu vực mỏ vàng thôn Bồng Miêu, "vàng tặc" đã xới tung, băm nát núi rừng để khai thác vàng. Nhiều bãi khai thác với diện tích lớn, như một đại công trường. Tình trạng này diễn ra suốt nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chất thải từ các vị trí khai thác vàng trái phép trôi theo các dòng suối chảy ra sông Bồng Miêu và đổ về các tuyến sông khác. Lo ngại về ô nhiễm nguồn nước, tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đã đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý tình trạng trên. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn tồn tại.
Liên quan đến việc xử lý các điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn, cuối tháng 11/2022, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã giao Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện Phú Ninh, Đông Giang khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn; tiêu hủy, tịch thu toàn bộ công cụ, dụng cụ, phương tiện tham gia hoạt động khai thác vàng trái phép.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, Công an tỉnh điều tra, xác minh các đối tượng đứng đầu tổ chức khai thác vàng trái phép để xử lý nghiêm; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Lãnh đạo huyện Phú Ninh, Đông Giang tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường trên địa bàn; tuyệt đối không được bao che để hoạt động khai thác vàng trái phép tiếp diễn.