TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra cảnh báo lừa đảo, mua bán tiền ảo qua mạng

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, dù được cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi mua hàng hóa, mua tiền ảo trên mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng lừa đảo.

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi mua tiền ảo. 

Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, từ năm 2021 đến nay, Công an Thành phố đã phát hiện 33 vụ việc có liên quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua các app trên mạng xã hội; trong đó, cơ quan điều tra  đã khởi tố 2 vụ án với 3 bị can. Những sàn tiền ảo được ngành công an phát hiện như: Bi option, UK Trade Globad... đã kêu gọi các nhà đầu tư, đưa ra các mức lãi suất siêu lợi nhuận rồi hướng dẫn tạo tài khoản tham gia và sau đó làm sập sàn để chiếm đoạt tài sản của người chơi (bị hại).

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, thủ đoạn của loại tội phạm này là tập trung các đối tượng lên mạng tìm kiếm và làm quen với bị hại, sau đó kêu gọi đầu tư, đưa ra mức lãi suất cao, hướng dẫn tạo tài khoản để người chơi tham gia mua bán hàng hóa và tiền ảo trên các app, đường link mà đối tượng gửi để nhận tiền lời.

Lúc đầu, người chơi tham gia đầu tư với số tiền nhỏ thì đối tượng cho rút tiền lợi nhuận, sau một thời gian người chơi đầu tư số tiền lớn để nhằm thu lợi nhuận cao, sau khi số tiền nạp vào đủ lớn, các đối tượng đứng sau sẽ làm đóng băng tài khoản, đánh sập sàn và chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các đối tượng kêu gọi bị hại làm cộng tác viên để bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng, sau đó hướng dẫn cho bị hại lập tài khoản trên app rồi đưa nhiệm vụ để thực hiện, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản. Thế nhưng, khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt tài sản của các cộng tác viên này.

“Tất cả các thủ đoạn lừa đảo vừa qua chủ yếu nhằm đánh vào lòng tham của bị hại như không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhuận để dụ bị hại tham gia... Dạng thủ đoạn này nguy hiểm hơn và dễ dụ dỗ hơn vì chúng có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản. Bởi vậy, người dân cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư, mua bán trên không gian mạng, hiểu được hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và nâng cao ý thức phòng ngừa ngay từ ban đầu đối với loại tội phạm này”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khuyến cáo.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, sắp tới, Công an Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán tiền ảo và hàng hóa qua các app trên mạng xã hội. Khi người dân gặp tình huống này nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra, Công an quận, huyện nơi người dân sinh sống để khai báo để ngành công an có những điều tra làm rõ.

Trước đó, ngày 17/3, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hồ Chí Minh) cũng đã phát thông báo cảnh báo về chiêu lừa đảo mới bằng việc gọi điện thoại cho người dân và kiểm chứng thông tin cá nhân sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, sau khi Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân trên cả nước đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu bài kiểm chứng thông tin cá nhân.

Thông qua câu chuyện cấp, xác thực tài khoản định danh điện tử, các đối tượng tự xưng là công an sẽ đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân) để yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiều điều, chẳng hạn như: yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào webstie giả mạo giao diện cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại... Sau đó, đối tượng dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, Momo, Zalopay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện những yêu cầu từ các cuộc gọi bằng các số điện thoại lạ và xưng danh là cán bộ cơ quan nhà nước, lực lượng công an để xác minh và cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP... để tránh lộ lọt thông tin cá nhân và bị lừa đảo tài sản. 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cảnh giác với 'cò' chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Cảnh giác với 'cò' chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng vừa có công văn số 817/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 8/3/2022 gửi các cơ quan thông tấn, báo chí, các sở ngành, địa phương để thông tin liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (thuần túy) sang đất ở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN