Phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến có điểm cầu trung tâm tại Phòng xét xử số 1 – Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu; điểm cầu thành phần tại Tòa án nhân dân thành phố Bạc Liêu và được truyền hình trực tuyến đến Tòa án nhân dân hai cấp các tỉnh thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Theo cáo trạng, vào khoảng 15 giờ 32 phút ngày 28/12/2023, tại chòi vuông nuôi tôm của bà Trác Thị Huệ thuộc ấp 9B, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, xuất phát từ việc ghen tuông tình ái, Huỳnh Nhật Linh đã dùng vũ lực để khống chế và dùng mền vải đè khiến bị hại L.C.H (13 tuổi, ấp 9B, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) ngạt thở và ngất xỉu. Tưởng bị hại đã chết, Huỳnh Nhật Linh ngụy tạo hiện trường giả bằng cách ném bị hại xuống sông (Kênh 4.000) khiến nạn nhân tử vong do ngạt nước.
Tại phiên tòa, bị cáo đã gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại và bày tỏ sự ăn năn, hối cải trước hành vi của mình, mong muốn Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội sớm trở về với cộng đồng.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng do khi phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Nhật Linh 15 năm tù về tội “Giết người”. Ngoài phạt tù, bị cáo Huỳnh Nhật Linh và người đại diện hợp pháp của bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại 238 triệu đồng.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp trực tuyến rút kinh nghiệm cùng công chức có chức danh tư pháp của Tòa án nhân dân hai cấp các tỉnh, thành phố thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng xét xử.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, thông qua việc tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm sẽ giúp các Thẩm phán, Thư ký Tòa án các cấp nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng xét xử, hiệu quả của phiên tòa hình sự sơ thẩm, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ đổi mới; đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính công bằng, dân chủ, nghiêm minh của pháp luật và tiết kiệm chi phí trong quá trình xét xử.