‘Tín dụng đen’ có phần giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp 

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục Trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công An), hiện các đối tượng cho vay, đòi nợ không còn ngang nhiên công khai lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được dần nâng cao, nhưng tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, nhức nhối do COVID-19 kéo dài. 

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục Trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công An). Ảnh: VNBA

Lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ vay tiền

Tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự và Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức diễn ra ngày 2/12, ông Trần Ngọc Hà cho biết: “Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc...”.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, công nghệ “nở rộ”, người dân tăng cường giao dịch trực tuyến, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên để vay tiền. 

“Các đối tượng đã lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên Zalo, Facebook… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép”, Cục Trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết.

Theo Bộ Công an, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính (CTTC)…, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Mặc dù ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho người dân vay vốn nhưng tội phạm “tín dụng đen” vẫn hoành hành. Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, dịch bệnh kéo dài khiến việc kinh doanh không hiệu quả khiến nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vay vốn tiêu dùng cấp bách gặp khó khăn khi chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Phía ngân hàng gặp rào cản trong quá trình thẩm định cấp tín dụng do nguồn thông tin từ phía khách hàng, doanh nghiệp không đầy đủ, độ chính xác không cao...  Một số khách hàng vẫn tìm đến “tín dụng đen” do thói quen tiêu dùng hoặc phục vụ nhu cầu không hợp pháp (cờ bạc, lô đề, ma túy,…).

Về phía các TCTD, do phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng “tín dụng đen”; chi phí huy động vốn của các công ty tài chính cao hơn hẳn so với các ngân hàng thương mại (NHTM) nên lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn nhiều lãi suất cho vay của các NHTM và lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh…

Đẩy nhanh cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với Bộ Công An

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: VNBA.

Để đẩy lùi “tín dụng đen”, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công An.

Đây là cơ sở để TCTD có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay; sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của “tín dụng đen”.

Thời gian tới, toàn ngành Ngân hàng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo các CTTC tiêu dùng có chính sách lãi suất phù hợp, công khai minh bạch lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp thu hồi nợ bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Tính đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn). 

Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trên cơ sở sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất một số nội dung như: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo; thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động.

“UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với NHNN và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến ‘tín dụng đen”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết.

Đại diện Bộ Công an đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Minh Phương/Báo Tin tức
Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, nhất là nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động tự do, tiểu thương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN