Thanh tra ĐH Ngoại Thương: Một số phản ánh không đủ chứng cứ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết luận thanh tra về một số hoạt động của trường Đại học Ngoại thương.

Kết quả thanh tra nêu rõ: Trong những năm gần đây, do chất lượng đào tạo luôn được khẳng định, nguồn tuyển sinh dồi dào, nguồn thu từ đào tạo tăng, đời sống cán bộ, giảng viên từng bước được cải thiện. Trường Đại học Ngoại thương đã dành ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình, bổ sung trang thiết bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Qua thanh tra một số nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề: Tài chính; tuyển sinh, đào tạo; cơ sở vật chất; tổ chức cán bộ tại trường cho thấy một số phản ánh không đủ chứng cứ để kết luận, đồng thời cũng cho thấy trường còn một số thiếu sót, sai phạm.


Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, nhiều sai phạm của Đại học Ngoại thương Hà Nội đã được đưa ra. Ảnh: giaoduc.net.vn


Về công tác tài chính, việc công khai công tác thu chi tài chính chưa thực hiện đầy đủ các hình thức, nội dung, biểu mẫu theo quy định của Thông tư số 21/2005/TT-BT về Chương trình tiên tiến, việc phê duyệt chế độ áp dụng đối với giảng viên Bùi Thị Lý, Phạm Thanh Hà và Phan Thị Thu Hiền không được thông báo cụ thể từ đầu gây nhận thức khác nhau và dư luận không tốt. Thông tư số 220 có hiệu lực từ tháng 1/2010 nhưng đến tháng 6/2010, trường mới ban hành Quyết định số 1272 quy định mức sinh hoạt phí cho mỗi cán bộ, giảng viên.

Về Dự án Mutrap, trường chưa nghiên cứu kỹ các điều khoản thoả thuận về vốn đối ứng trước khi ký với đối tác dẫn đến vốn đối ứng của trường phải bỏ ra nhiều. Việc phê duyệt chủ trương thu tiền chậm. Việc thu tiền đóng góp lần đầu của các thành viên chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Việc chi tiền quản lý cho Ban quản lý dự án Mutrap III, quy chế chi tiêu nội bộ chưa có quy định chi tiết đối với các cán bộ tham gia thực hiện Dự án; Quyết định 1209/QĐ-ĐHNT-QLDA về việc chi phụ cấp thực hiện Dự án không quy định rõ nguồn chi.

Việc để các khoa tự quản lý tài chính đối với các lớp ôn luyện thi sau đại học là không đúng với Quy chế chi tiêu nội bộ dẫn đến việc quản lý tài chính các lớp ôn thi có sai sót như: không thực hiện chế độ báo tài chính, không cấp biên lai thu học phí, không thực hiện việc đóng góp theo quy định của Quy chế chi tiêu nội bộ. Trường không thực hiện chế độ kiểm tra công tác tài chính hàng năm đối với các khoa theo quy định, không tổng hợp báo cáo tài chính của lớp ôn thi vào báo cáo tài chính chung của trường theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và quy chế chi tiêu nội bộ.

Về công tác cơ sở vật chất, tại khu nhà B còn 05 phòng học ở tầng 4 đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được cải tạo sửa chữa để đồng bộ với các hạng mục khác. Các hạng mục sửa chữa, cải tạo phòng B310, trường chưa thực hiện đầy đủ các quy định tại Luật Đấu thầu; Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. Việc xây dựng và sửa chữa phòng học theo Chương trình tiên tiến: tại các hạng mục đầu tư trang thiết bị có giá trị dự toán nhỏ, trường chưa thực hiện đầy đủ các quy định tại Luật Đấu thầu; Nghị định 85/2009/NĐ-CP. Một số khoa và phòng ban, chưa tận dụng một số tủ, bàn ghế để tại hầm nhà A dù vẫn còn sử dụng được.

Về công tác tuyển sinh, đào tạo, việc thay đổi môn thi đầu vào ngành Quản trị kinh doanh, trường không có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và cho ý kiến trước khi Hiệu trưởng nhà trường ban hành Quyết định là không đúng với qui định của Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT. Đồng thời chưa có quy định về việc mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn (trong đó có các lớp ôn thi sau đại học) và quy định về công tác quản lý tổ chức và hoạt động các lớp này dẫn đến việc thiếu thống nhất trong công tác tổ chức và thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ. Bên cạnh đó, có sự buông lỏng quản lý trong việc kiểm tra, giám sát các lớp ôn thi sau đại học dẫn đến việc cá nhân của Khoa sau đại học lợi dụng tổ chức lớp ôn thi.

Liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, từ tháng 6/2010 đến năm 2013, Ban Giám hiệu chỉ tổ chức 06 cuộc họp toàn thể là chưa nhiều, có ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò tập thể của Ban Giám hiệu. Trường cũng chưa thực hiện đúng quy định về việc họp xét chỉ tiêu tuyển dụng và tổng hợp kết quả trúng tuyển; có thiếu sót trong việc ra Thông báo tuyển dụng ngày 29/9/2011 và chưa thực hiện tuyển dụng đúng tiêu chuẩn theo Thông báo tuyển dụng đối với giảng viên Nguyễn Thị Yến (Khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế). Quy trình về việc bổ nhiệm cán bộ của Trường chưa được xây dựng. Việc bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị không đưa ra bàn bạc trong Ban Giám hiệu là vi phạm quy định Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg; Việc bổ nhiệm cấp phó đơn vị không thông qua và xin ý kiến của cấp ủy là vi phạm Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDDT-BNV và Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất các biện pháp xử lý đối với trường Đại học Ngoại thương. Cụ thể, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cần chỉ đạo rà soát các văn bản nội bộ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế hoạt động của Trường. Tạm dừng việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm viên chức lãnh đạo cho đến khi Trường ban hành được văn bản quy định quy trình việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức miễn nhiệm viên chức lãnh đạo. Tiến hành rà soát lại số cán bộ cấp phó đơn vị đã bổ nhiệm thiếu quy trình để làm thủ tục xin ý kiến Đảng ủy. Trường hợp Đảng ủy không thông qua thì đề xuất phương án thay thế.

Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính của Trường, các nguồn thu, chi phải tập trung và thống nhất quản lý tài chính qua phòng kế hoạch - tài chính; việc lập, xuất, lưu giữ chứng từ của toàn bộ các khoản thu chi phải thực hiện theo đúng trình tự và được kiểm soát đúng quy định; thực hiện đầy đủ các hình thức, nội dung, biểu mẫu công khai số liệu dự toán, quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Thông tư số 21/2005/TT-BTC.

Chấn chỉnh quy trình quản lý, thực hiện của Trường về cải tạo, sửa chữa các hạng mục, đầu tư trang thiết bị có giá trị dự toán nhỏ (công tác phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu) để đảm bảo hồ sơ đầy đủ theo quy định. Có kế hoạch khắc phục, sửa chữa các phòng đã xuống cấp và hỏng hóc nhiều tại nhà B để đảm bảo cho công tác giảng dạy và học tập. Tận dụng một số bàn ghế, tủ còn sử dụng được phục vụ cho các hoạt động của Trường.

Rà soát lại các đơn vị trực thuộc đang mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; kiểm tra công tác quản lý tài chính đối với các lớp này để chấn chỉnh, xử lý bảo đảm đúng quy định. Kiện toàn tổ chức và hoạt động tự thanh tra theo Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 quy định về tổ chức và có hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động trong đó quan tâm giám sát việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của trường.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương tự kiểm điểm và chỉ đạo các Phó Hiệu trưởng, các đơn vị, cá nhân có liên quan không hoàn thành trách nhiệm tham mưu, giúp việc kiểm điểm; xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý kỷ luật đối với các cá nhân đã để ra thiếu sót, sai phạm như đã kết luận trên đây. Việc rà soát, chấn chỉnh, kiểm điểm và xử lý những thiếu sót, sai phạm trên đây cần hoàn thành trước ngày 15/10/2013 và có báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chủ trì tham mưu xem xét trách nhiệm, đề xuất việc xử lý đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có liên quan đến những thiếu sót, sai phạm trong quản lý nhà trường; thẩm định văn bản quy định về quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quy chế tổ chức và hoạt động của Trường đảm bảo đúng quy định. Đồng thời tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng nhà trường theo quy định tại Quyết định số 5099/QĐ-BGDDT ngày 19/11/2012; tham mưu tổ chức tổng kết, đánh giá về việc giao tự chủ cho các trường; tham gia giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra.

Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thẩm định Quy chế chi tiêu nội bộ; tham gia giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra. Cục Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em rà soát, xử lý văn bản số 7713/BGDĐT-KHTC ngày 22/8/2008 vì không còn phù hợp với quy định quản lý đầu tư; tham gia giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra. Vụ Giáo dục đại học phối hợp theo dõi, giám sát Trường thực hiện đúng quy định về giáo dục đại học.


TTXVN/Tin tức

Xung quanh chuyện thực tập tại Xinhgapo của sinh viên Ngoại thương
Xung quanh chuyện thực tập tại Xinhgapo của sinh viên Ngoại thương

Thời gian qua, Báo Tin tức đã tiếp nhận thông tin một nhóm sinh viên đang tham gia chương trình “Thực tập và làm việc tại Xinhgapo” thất vọng về điều kiện làm việc cũng như sinh hoạt tại nước sở tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN