Taxi Hà Nội hết cảnh “quân hồi vô phèng”

Quyết định số 4390/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội ban hành, phê duyệt Đề án quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2030, với những giải pháp sát sườn, hy vọng sẽ khiến hoạt động của vận tải taxi trên địa bàn Hà Nội đi vào quy củ.

 

Thực trạng


Hàng ngày, cứ đi qua các tuyến phố của Hà Nội như: Giải Phóng, Lê Duẩn, Bà Triệu… người đi đường không ai cũng không khỏi lắc đầu ngao ngán, vì cứ phải chờ đợi, len lỏi, tránh các loại xe taxi như trận đồ bát quái trước cổng các bệnh viện, trường học, nhà ga, bến xe. Nhiều xe dàn hàng ngang, ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách... giữa đường.


Taxi dừng đỗ đón trả khách lộn xộn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai.

 

Bệnh viện Bạch Mai nằm trên đường Giải Phóng - cửa ngõ phía Nam của thủ đô luôn trong tình trạng đông đúc. Từ ngày bệnh viện cấm taxi vào trong khuôn viên của viện, thì tình trạng taxi đỗ hàng ba, hàng bốn ngoài cổng đón trả khách, tràn ra cả giữa đường… xảy ra nhiều nhưng không hề thấy lực lượng chức năng đến xử lý. Cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (phố Bà Triệu) cũng luôn thường trực hàng chục chiếc taxi đủ loại, đủ hãng, lấn luôn cả hai làn đường của phố Bà Triệu. Điều đáng nói là số taxi thường trực này luôn tạo thành nút “thắt cổ chai” đoạn ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, khiến các phương tiện khác lưu thông đến ngã tư này đều phải chờ từ 3 - 4 lần đèn tín hiệu mới “thoát”, mặc dù đoạn đường qua cổng bệnh viện dài chưa đến 50 m.


Chưa hết, các hãng taxi khác nhau, thậm chí cùng hãng, không chỉ dàn hàng ngang dừng đỗ, đón trả khách, mà còn tranh giành khách của nhau, sẵn sàng “đè đầu” xe khác. Và không ít lần, hệ lụy phát sinh là lái xe của các hãng gây gổ, đánh nhau, gây mất trật tự an ninh khu vực, khiến ùn tắc càng trầm trọng.


Ngoài ra, tình trạng taxi dù, gian lận đồng hồ tính cước móc túi khách hàng, vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng không kể hết.


Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố hiện có 114 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi, với trên 17.400 đầu xe hoạt động. Trung bình mỗi km2 đường đô thị đang gánh chịu 16 xe taxi và 70% trong số này hoạt động chủ yếu tại khu vực nội thành. Đây chính là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại nội đô. Cụ thể, do cơ sở hạ tầng như bãi đỗ xe, bãi bàn giao xe, điểm đỗ xe tập trung… còn thiếu và yếu, nhiều hãng phải tận dụng vỉa hè, lòng đường, để dừng đỗ, thậm chí để giao ca. Ý thức chấp hành giao thông của nhiều lái xe rất thấp, việc tranh giành khách, đón khách giữa đường luôn xảy ra, khiến giao thông lộn xộn. Đặc biệt, hiệu suất hoạt động, chất lượng phục vụ hiện nay của các hãng taxi chưa đạt yêu cầu. Theo tính toán, trung bình một taxi của Hà Nội chỉ đạt 14,8 lượt khách/ngày, trong khi tại một số thành phố trên thế giới như: Hồng Công đạt 36,9 lượt/xe/ngày, Băngcốc đạt 24,3 khách/xe/ngày, Bắc Kinh đạt 19,2 khách/xe/ngày... Nếu so sánh hiệu quả hoạt động của taxi với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác thì còn quá thấp.


Trong đợt tổng kiểm tra của thanh tra giao thông Hà Nội vừa qua, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm tại hầu hết các doanh nghiệp taxi. Điều này cho thấy, mức độ sai phạm của loại hình vận tải công cộng này đã vượt quá mức báo động, gây bức xúc cho nhiều người đi đường, những người hàng ngày luôn phải đối mặt với sự mất an toàn, gian lận cước và phong cách phục vụ kém.

 

“Thuốc chữa bệnh”


Trước thực tế này, thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4390/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030. Đề án này nhằm định hướng phát triển về số lượng phương tiện vận tải khách bằng taxi có quy mô phù hợp với sự phát triển chung của thủ đô; đồng thời, xác định các điều kiện kinh doanh vận tải taxi, quản lý vận tải bằng thiết bị định vị GPS, quy định về chế độ báo cáo, thống kê vận tải taxi, quy định chính sách cam kết chất lượng… Theo đó, việc dự báo phân bổ và phát triển số lượng xe taxi từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung chủ yếu phát triển ở các khu vực Sóc Sơn, Đông Anh và toàn bộ khu vực thuộc Hà Nội mở rộng. Đối với khu vực nội thành sẽ hạn chế tăng số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ taxi.


Thực hiện lộ trình đề án này, giai đoạn 2012-2015, toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi của Hà Nội đều phải lắp đặt đồng hồ tính cự ly, điểm đi - điểm đến - hành trình tuyến đường, tính cước tự in hóa đơn theo hướng dẫn của Cục Thuế Hà Nội; đồng thời phải gắn thiết bị GPS để giám sát hành trình theo quy định. Ngành Giao thông vận tải thành phố sẽ chú trọng phát triển hệ thống các điểm dừng đỗ cho taxi, bố trí thí điểm các điểm dừng đỗ đón trả khách tại các trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà ga, bến xe và những nơi có đủ điều kiện. Giai đoạn 2016-2020, ngoài các giải pháp đã thực hiện trong giai đoạn 2012-2015, các doanh nghiệp kinh doanh taxi phải đảm bảo ít nhất 20% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch trong cơ cấu đoàn xe hoạt động và đảm bảo ít nhất 3% số phương tiện có hỗ trợ cho người khuyết tật. Định hướng đến 2030, các doanh nghiệp kinh doanh taxi đảm bảo ít nhất 50% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và có hỗ trợ cho người khuyết tật.


Trao đổi về việc thực hiện đề án, đa số các doanh nghiệp taxi đều kêu khó thực hiện theo lộ trình, nhất là các khâu in hóa đơn, gắn thiết bị giám sát hành trình, sử dụng năng lượng sạch… vì kinh phí đầu tư các trang thiết bị thực hiện sẽ tăng chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp chủ yếu tự cân đối thu chi, không được hưởng bất kỳ ưu đãi hay hỗ trợ nào. Thêm vào đó, theo tính toán của Hiệp hội vận tải taxi, riêng năm 2011, các doanh nghiệp taxi đã vận chuyển được trên 100 triệu lượt hành khách, nộp thuế hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động và taxi cũng không phải là tác nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng hiện nay.

Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Hào: Taxi Hà Nội quá lộn xộn 

 

Qua kết quả thanh tra trên diện rộng của Bộ, taxi Hà Nội đang hoạt động rất lộn xộn.Theo thống kê, Hà Nội hiện có tới 114 hãng taxi, với hơn 17.000 đầu xe, trong khi với số lượng khoảng 14.000 - 15.000 xe, xấp xỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ có 36 hãng. Thực tế này cho thấy việc quản lý, hoạt động kinh doanh taxi của TP Hồ Chí Minh quy củ hơn nhiều so với Hà Nội. Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến taxi Hà Nội rơi vào tình trạng bát nháo là có tới 43% hãng đăng ký hoạt động với số đầu xe dưới 50 chiếc, nhiều hãng nhỏ không có bãi tập kết, giao ca ngay dọc đường, nhưng thực tế cơ quan quản lý rất khó kiểm soát. Ngay cả số lượng xe taxi dù hiện nay ở Hà Nội là bao nhiêu cũng chưa có một số liệu thống kê chính xác. Đây là kẽ hở trong quản lý.

 

Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải Lý Huy Tuấn: Thành phố văn minh cần loại hình vận tải văn minh

 

Đề án của Hà Nội đưa ra 7 nhóm giải pháp tăng cường quản lý hoạt động taxi tại Hà Nội. Các giải pháp không chỉ là bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải taxi, phân vùng hoạt động vận tải taxi, quản lý khai thác vận tải taxi… mà từng bước xây dựng và đưa loại hình vận tải khách này trở thành loại hình vận tải công cộng văn minh trong tương lai. Với một thành phố lớn như Hà Nội, đề án là sự cần thiết để siết lại hoạt động của taxi, bảo đảm quyền lợi của người dân, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đồng thời dần loại bỏ các hãng kém chất lượng. Một thành phố văn minh, cần những loại hình vận tải công cộng văn minh. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: Tăng số lượng, phải đi đôi với chất lượng Hiện nay, taxi vẫn là sự lựa chọn của nhiều hành khách. Do vậy, ưu tiên của thành phố vẫn sẽ phát triển quy mô đầu phương tiện nhằm phục vụ xã hội một cách đa dạng hơn. Song, để tăng cường chất lượng hoạt động kinh doanh taxi, ngay từ bây giờ sẽ phải đặt ra những yêu cầu cao hơn, coi đó là cơ sở để cấp phép, cũng như giám sát và kiểm tra, tránh tình trạng taxi hoạt động bát nháo như hiện nay. Chất lượng của taxi bao gồm những điều kiện "cần” như: Có lắp đặt đồng hồ tính cự ly, tính cước có in hóa đơn, gắn thiết bị GPS để giám sát hành trình, phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, phương tiện có hỗ trợ cho người khuyết tật… và những điều kiện "đủ” như phát triển hệ thống các điểm dừng đỗ phù hợp.

 

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN