Theo ghi nhận tại khoa Cấp cứu ở các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Quận Thủ Đức, bệnh viện Quận 2… các ca cấp cứu liên quan đến rượu bia đều giảm so với trước khi có Nghị định.
Các bác sĩ tại bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết, cách 2 -3 ngày bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp cấp cứu mà bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu. Không chỉ số ca tai nạn giao thông do rượu bia, mà cả các ca ngộ độc rượu cũng giảm so với trước.
Bác sĩ Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, trong 3 tuần đầu tháng 1/2020, số ca cấp cứu vào bệnh viện liên quan đến rượu bia hơn 90 trường hợp, giảm nhiều so với trước khi có Nghị định 100. Tương tự, tại bệnh viện Chợ Rẫy, trước đây trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 50 - 60 ca bị tai nạn giao thông thì kể từ đầu tháng 1/2020 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 40 -50 ca, trong đó số ca sử dụng rượu bia giảm rất nhiều.
Theo Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, trước khi có Nghị định 100, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 10 trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, hiện nay chỉ còn 5 ca mỗi ngày. Thậm chí, có những ngày không ghi nhận bất kỳ trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
Còn theo thống kê của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau khi có quy định cấm lái xe sử dụng rượu bia, tai nạn giao thông giảm sâu. Cụ thể, trong tháng 1/2020, toàn quốc xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, làm 591 người chết và 968 người bị thương. So với tháng cùng kỳ năm 2019, giảm 227 vụ tai nạn giao thông (giảm 14,87%), giảm 138 người chết (giảm 18,93%) và 169 người bị thương (giảm 14,86%).