Tái diễn nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện để lừa đảo người bệnh 

Lợi dụng sự phát triển của các mạng xã hội (nhất là Facebook), thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt trang Fanpage mạo danh bác sĩ, thương hiệu bệnh viện tiếp cận người dân để chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng, làm tổn hại sức khỏe người dân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của bác sĩ, bệnh viện.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gần đây, các đối tượng liên tục thiết lập các trang mạo danh Bệnh viện để lôi kéo người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi. Thủ đoạn mạo danh để lừa đảo ngày càng trắng trợn, ngang nhiên; người dân rất dễ mắc bẫy nếu không đề cao cảnh giác. 

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo còn được “nâng cấp” liên tục. Từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu nhầm như “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108, “Bệnh viện Quân đội 108”… đến thực hiện sao chép, đăng tải trái phép các bài đăng, logo, slogan chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; thậm chí, cắt ghép hình ảnh, video về Bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo sản phẩm để lôi kéo người theo dõi. 

Những chiêu quảng cáo, lời chào mời đầy hứa hẹn, ưu đãi lớn như: “Điều trị dứt điểm tiểu đường không tái phát chỉ với 1 liệu trình”, “thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp được kiểm nghiệm bởi Viện 108”, “bác sĩ hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ trực tiếp thực hiện”… đã khiến không ít người sập bẫy.

Không chỉ mạo danh bệnh viện và các khoa của bệnh viện, các trang giả mạo còn mạo danh bác sĩ của bệnh viện để tăng độ tin cậy. Nội dung giả mạo thường là: Khẳng định mời được thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến cơ sở của họ để khám cho người bệnh; trực tiếp liên lạc giới thiệu mình là bác sĩ, điều dưỡng của khoa mà bệnh nhân vừa ra viện để chào mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà (chăm sóc vật lý trị liệu, thay băng, chăm sóc bà bầu, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, xét nghiệm, tiêm thuốc, truyền dịch)... Nhiều trường hợp mạo danh bác sĩ để tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch: Có bệnh chỉ cần áp dụng “liệu pháp chữa lành tự nhiên” trong một cuốn sách nào đó, không cần các phương pháp y học hiện đại. 

Bên cạnh các trang mạng xã hội mạo danh (trên Facebook, Tiktok, Zalo…), nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cá biệt có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các địa bàn ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai. 

Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, Bệnh viện không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online), Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện; chưa triển khai khám, điều trị tại nhà…

Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã lên tiếng cảnh báo việc bệnh viện lại bị mạo danh để lừa đảo, trục lợi. Nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo, thu hút bệnh nhân.

Đại diện bệnh viện cho biết, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Một loạt trang Fanpage giả mạo ra đời đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang Fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, một số trang Facebook giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu của các bệnh viện lớn để lừa đảo, trục lợi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ; đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Để ngăn chặn hành vi mạo danh, lừa đảo, các bệnh viện thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác. Khi có nhu cầu khám chữa bệnh và tư vấn, người dân có thể nhắn tin trực tiếp đến cổng thông tin chính thức của bệnh viện (có tích xanh xác nhận của Facebook hoặc gọi cho số điện thoại hotline của bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ.

TTXVN/Báo Tin tức
Cảnh báo tình trạng mạo danh công chức thuế để lừa đảo tại TP Hồ Chí Minh
Cảnh báo tình trạng mạo danh công chức thuế để lừa đảo tại TP Hồ Chí Minh

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục phát đi thông báo đến người nộp thuế trên địa bàn về tình trạng có một số đối tượng mạo danh công chức ngành thuế gọi điện đề nghị hỗ trợ cài đặt các ứng dụng, phầm mềm của ngành thuế để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản mạng, tài khoản ngân hàng của người nộp thuế, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN