Có tận mắt chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang tại cánh rừng phòng hộ Đăk Đoa, thuộc địa bàn 2 xã Đăk Smei và Hà Đông, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) mới thấy nguồn tài nguyên rừng đang “chảy máu” với tốc độ vô cùng khủng khiếp. Tại đây, nhiều loại cây đã và đang bị đốn hạ bừa bãi, nhiều cây lớn đã được kê ván để xẻ thành từng hộp ngay cạnh bên đường.
Xã Đăk Smei và xã Hà Đông được bao phủ xung quanh là những cánh rừng phòng hộ giàu trữ lượng gỗ. Tuy nhiên, đứng từ trên cao phóng tầm mắt xuống mới thấy hết được sự loang lổ của những vết phá rừng cũ, mới đan xen nhau. Tiếp tục đi sâu vào trong vài km, chúng tôi bắt gặp những cây gỗ còn sót lại có đường kính từ 20-60cm nằm ngổn ngang, tiếng cưa máy và cây bị đốn ngã rào rào vọng lại rõ mồn một.
Len theo một con đường mòn và tiếng cưa máy, sau gần 20 phút trèo đèo, lội dốc, chúng tôi mục sở thị cảnh ngang nhiên phá rừng phòng hộ Đăk Đoa. Gần 10 “lâm tặc” với 4 cưa máy đang hạ tầng một cây rừng có đường kính khoảng 40-50cm. Việc đốn hạ rất có tổ chức với một người đốn, một người cắt cành, ngọn và 2 người xẻ cây ra thành từng khúc gỗ và ván gỗ. Số “lâm tặc” còn lại nhanh chóng đẩy số gỗ thành phẩm về phía bên kia sườn núi và có nhiệm vụ canh chừng. Nhẩm tính cứ chưa đầy 10 phút là một cây rừng bị cưa ngọt, ngã chỏng chơ bên gốc. Ngay giữa ban ngày, các đối tượng vẫn thản nhiên phá rừng, tiếng cưa máy vang rền khắp núi rừng. Lần qua bên kia sườn núi mới thấy rừng bị̣ tàn phá quá sức tưởng tượng, một khoảnh rừng rộng cả nghìn m 2 ngổn ngang các loại cây từ lớn đến nhỏ bị đốn hạ, cả lóng gỗ lẫn ván gỗ đã được xẻ vẫn còn đó, chỉ còn trơ những gốc cây mủ chỉ mới xạm màu chưa khô...
Một khoảnh rừng nguyên sinh vừa bị tàn phá. Nguồn: VOV online. |
Tiếp tục vào xã Hà Đông, rừng phòng hộ Đăk Đoa lại càng bị tàn phá nặng nề hơn. Những sườn núi loang lổ những đám rừng bị chặt phá vẫn còn mới, những lá cây vẫn còn màu xanh. Đám nhỏ thì từ vài nghìn m 2 , đám lớn thì lên đến chừng vài ha với những gốc cây còn trơ lại. Cũng trên con đường này, “lâm tặc” thản nhiên vận chuyển gỗ ra đường lớn và xẻ ngay tại đây. Hai bên đường vẫn còn sót lại những bìa gỗ rải rác. Táo bạo hơn, ở một khu rừng cách xã Hà Đông chưa đầy 5km,“lâm tặc” ngang nhiên kê cây gỗ có đường kính chừng 60cm và cưa thành 4 khúc chờ vận chuyển đi.
Việc “lâm tặc” lộng hành ở đây khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn về trách nhiệm của các ngành chức năng và chính quyền huyện Đăk Đoa. Những cánh rừng phòng hộ tự nhiên liên tiếp bị phá nát trong thời gian dài nhưng chưa thấy một động thái tích cực nào từ ngành chức năng để ngăn chặn có hiệu quả.
Phía Ban quản lý rừng cũng như Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa đều thừa nhận việc lâm tặc tiếp tục phá rừng, mở những đường luồng mới vào sâu trong rừng là có. Trong khi đó, từ tháng 10/2011, UBND huyện Đăk Đoa đã tăng cường lực lượng triển khai công tác bảo vệ rừng, tuần tra, tiến hành truy quét, xử lí “lâm tặc”. Ông Lê Viết Phẩm – Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Đăk Đoa thừa nhận: Việc phá rừng trên nhiều diện tích, ngang nhiên giữa ban ngày như phóng viên phản ánh là có thật. Việc để rừng bị phá như thế này do các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm, UBND huyện có chỉ đạo nhưng việc thực thi chưa đến nơi đến chốn.
Đây không phải là lần đầu tiên việc lâm tặc đốn hạ từng khoảnh rừng phòng hộ tại huyện Đăk Đoa mà chỉ khi rừng bị phá xong lực lượng chức năng, chính quyền địa phương mới biết và vào cuộc. Một số vụ việc, các ngành chức năng bắt giữ được cũng chỉ khi cây đã bị đốn hạ xong và xẻ thành thành phẩm, trên đường vận chuyển ra tiêu thụ. Với việc thiếu trách nhiệm đối với cánh rừng phòng hộ - tài sản của quốc gia như ở huyện Đăk Đoa thì từng ngày những mảng rừng xanh sẽ chỉ còn lại đất trống đồi trọc trong tương lai không xa sẽ là hiện thực.
Nguyễn Hoài Nam