Rất khó thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng

Theo lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, số lượng việc và tiền phải thi hành án năm sau đều cao hơn năm trước. Đáng nói, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là việc thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Ngày 19/7, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức giao ban công tác Quý III/2018 và kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ ngành Thi hành án dân sự nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống. Bộ trưởng nhấn mạnh, thi hành án dân sự là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế.

Chú thích ảnh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức tiêu hủy tang vật trong một vụ án vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Việc thi hành các bản án góp phần củng cố tính thượng tôn phát luật, bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với tầm quan trọng đó, công tác Thi hành án dân sự luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cùng với sự cố gắng của cả hệ thống nên ngành thi hành án dân sự đã trưởng thành và phát triển không ngừng trong suốt 72 năm qua.

Về những thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ, số lượng việc và tiền phải thi hành án năm sau đều cao hơn năm trước (bình quân mỗi năm số việc phải thi hành tăng hơn 5%, số tiền phải thi hành tăng 15%). Bên cạnh đó, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là việc thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng rất khó khăn.

Trong khi đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhất là đội ngũ chấp hành viên còn hạn chế. Theo đó, chấp hành viên được giao những quyền rất lớn như quyền được “phong tỏa tài sản”, liên quan đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nên có hiện tượng nhũng nhiễu và cố tình làm sai của một số ít chấp hành viên khi thi hành nhiệm vụ.

Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị thời gian tới, hệ thống Thi hành án dân sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, đặc biệt 2 chỉ tiêu lớn về việc và về tiền; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, đôn đốc quyết liệt thi hành án hành chính. Các cơ quan tiếp tục kiểm tra, giám sát cấp trên với cấp dưới để phòng ngừa, phát hiện vi phạm; tạo sự đoàn kết trong toàn hệ thống.

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, 9 tháng qua (từ tháng 10/2017 đến nay), các cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý 787.187 việc. Tổng số phải thi hành là 778.434 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 601.170 việc (chiếm 77,23% trong tổng số phải thi hành). Kết quả, thi hành xong 389.293 việc, đạt 64,76%.

Về tiền, tổng số thụ lý là trên 184.016 tỷ đồng. Tổng số phải thi hành là hơn 171.711 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 101.534 tỷ đồng (chiếm 59,13% trong tổng số phải thi hành). Kết quả, thi hành xong là 19.878 tỷ đồng, đạt 19,58%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống Thi hành án dân sự phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Cụ thể, một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành.

Bên cạnh đó, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, cá nhân phần lớn sử dụng tiền mặt khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.

Đáng chú ý, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua gần một năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ như: Chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán; chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán.

Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá hoặc lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban, ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án…

Phan Phương (TTXVN)
Tăng cường công tác thi hành án dân sự
Tăng cường công tác thi hành án dân sự

Ngày 6/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN