Đáng lưu ý, tình trạng người dân trồng cây cần sa tại nhà riêng, vườn nhà; người nước ngoài thuê đất để trồng cần sa trái phép ở một số thành phố, đô thị lớn vẫn diễn ra. Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Toàn quốc hiện có 333 điểm và 37 tụ điểm phức tạp về ma túy; 3.807 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) và dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy. Các đối tượng đang có xu hướng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc là 217.059 người; số người sử dụng trái phép chất ma túy là 59.537 người. Đây là nguồn cầu ma túy rất lớn, là nguy cơ làm phát sinh, phát triển các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương, nhất là số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần, “ngáo đá” gây ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đó là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác nhằm đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; triệt xóa các tụ điểm ma túy phức tạp. Triển khai thực hiện hiệu quả Phương án nghiệp vụ của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công an, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; các đường dây tội phạm đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển số lượng ma túy còn tồn đọng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ không đồng đều, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Các loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tuy đã được bổ sung, nhưng còn thiếu, một số đã lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng ở một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực sự đi vào thực chất, hiệu quả dẫn đến kết quả công tác đấu tranh với tội phạm chưa cao. Việc phối hợp, nắm tình hình các tuyến vận tải trên biển, vùng biển tiềm ẩn nguy cơ trở thành những địa điểm tập kết, trung chuyển ma túy vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ và điều tra xử lý tội phạm ma túy xảy ra tại các vùng biển, hải đảo còn gặp rất nhiều khó khăn. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên còn một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật và chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XX “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Số lượng người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta còn cao, trong khi đó, công tác cai nghiện, quản lý sau cai hiệu quả thấp. Công tác xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy mới triển khai và có kết quả bước đầu nên công tác giảm cầu chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp, quán triệt, thực hiện các nội dung nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Đẩy mạnh việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm tốt công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường nguồn lực cho lực lượng Y tế, Lao động - Thương binh, Xã hội phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện và công tác cai nghiện đảm bảo hiệu quả hơn.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, các lực lượng phòng, chống ma túy quốc tế để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án nghiệp vụ của Bộ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, góp phần ngăn chặn ma túy từ xa. Tập trung đấu tranh giải quyết các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức, chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, các địa bàn giáp ranh.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 38.734 vụ, 56.676 đối tượng; thu giữ 1.070 kg heroin; 3.519,83 kg và 4.545.644 viên ma túy tổng hợp; 1.128,49 kg cần sa; 208 khẩu súng, 491 tỷ động cùng nhiều vật chứng có liên quan. 6 tháng đầu năm 2022, đã khởi tố mới 12.097 vụ, 16.524 đối tượng phạm tội về ma túy; xử lý hành chính: 5.473 vụ, 10.544 đối tượng, xử phạt 12,05 tỷ đồng; đấu tranh triệt xóa 273 điểm, 29 tụ điểm phức tạp về ma túy. Về cơ bản, toàn quốc không còn tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.