Quyết liệt chống buôn lậu trên biển: Diễn biến phức tạp

Lợi dụng nhu cầu của thị trường, và sự sơ hở của các lực lượng chức năng, hoạt động của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển ngày càng nóng. Địa bàn rộng, diễn biến phức tạp cả về phương thức, thủ đoạn và quy mô, chủng loại đang là những thách thức không nhỏ đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.


Thủ đoạn tinh vi


Theo báo cáo của Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển không có nguồn gốc hợp pháp thường tập trung ở các mặt hàng: khoáng sản, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, xăng dầu, gỗ, thuốc lá, hàng tiêu dùng, pháo nổ các loại... với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trắng trợn. Trong đó, ở vùng biển Đông Bắc, hàng xuất lậu chủ yếu là than, quặng các loại; hàng nhập lậu là gia cầm, thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… Trên vùng biển miền Trung và Đông Nam bộ, hàng xuất lậu vẫn là quặng sắt, titan; hàng nhập lậu là xăng dầu. Trên vùng biển Tây Nam hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, gỗ các loại, xăng dầu.

Lực lượng CSB tiến hành lập biên bản đối với chủ tàu HP3259 chở than trái phép, ngày 13/12/2012.Ảnh: Hồng Quân – CSBVN


Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Cục trưởng pháp luật, Cục CSB Việt Nam cho biết: Khi vận chuyển than, khoáng sản các loại, các đối tượng thường xuyên thay đổi tên và số phương tiện, đường đi của phương tiện. Chúng sử dụng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ vận chuyển trong nước (chủ yếu từ các tỉnh miền Trung, phía Nam đi Hải Phòng, Quảng Ninh) để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra trên biển. Với hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp, khi vận chuyển, đầu nậu thường cho chạy lòng vòng trên biển để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, sau đó vượt biển để xuất lậu. Đối với hàng tạm nhập, tái xuất, các đối tượng lợi dụng sơ hở trong hoạt động giám sát hàng hóa sau thông quan, hàng hóa đã làm làm thủ tục tái xuất để đưa trở lại thị trường Việt Nam tiêu thụ. Còn với hàng xăng dầu, các đối tượng vận chuyển bằng đường biển, nhập lậu vào Việt Nam với số lượng lớn. Khi về đến vùng biển Việt Nam, các tàu chở xăng dầu nhập lậu thông báo cho các tàu từ trong bờ ra vị trí quy ước, để sang mạn từ tàu đi nước ngoài về các tàu khác đem đi tiêu thụ. Khi ra biển để nhận sang mạn xăng dầu lậu, chủ tàu thường chuẩn bị sẵn hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu, đối phó khi bị kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, chống buôn lậu trên biển của lực lượng CSB nói riêng, lực lượng chức năng nói chung.

Đại tá Trần Phương Linh, Trưởng Phòng pháp luật, Cục CSB Việt Nam:

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác điều tra tố tụng còn một số hạn chế, trình độ năng lực cán bộ, chiến sĩ điều tra vẫn còn bất cập. Công tác nắm tình hình địa bàn có lúc, có nơi còn chưa sát thực tế.

Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Chỉ huy trưởng pháp luật, Vùng CSB4:

Tình hình tội phạm, vi phạm trên biển vùng biển Tây Nam trong thời gian tới có xu hướng diễn biến phức tạp, tinh vi, manh động hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn. Vì thế Vùng CSB4 tiếp tục phát huy hiệu quả, kinh nghiệm, chủ động, linh hoạt thực hiện đồng bộ các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm trên biển, đồng thời tổ chức tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho ngư dân, nhân dân trên vùng biển Tây Nam để nâng cao nhận thức, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đại tá Trần Văn Nam, Phó Chỉ huy trưởng pháp luật, Vùng CSB1:

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ Vùng CSB1 luôn luôn đề cao cảnh giác, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo xử lý các tình huống đúng đối sách trên biển theo chỉ đạo của cấp trên. Quá trình thực hiện luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao ý thức tự giác, giữ vững mối đoàn kết các lực lượng trong và ngoài quân đội. Vùng CSB1 mong muốn Cục CSB bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cảnh sát viên, trinh sát viên… Kiện toàn đội ngũ cán bộ các phòng pháp luật, trinh sát, ban phòng chống tội phạm ma túy, đội ngũ cán bộ tàu thuyền theo hướng tăng quân số, đảm bảo đủ lực lượng thường xuyên bám, nắm các tuyến, vùng biển trọng điểm, phục vụ tốt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm. Tăng cường nhiên liệu đảm bảo duy trì thường xuyên các tàu trực tại các khu vực trọng điểm, nhạy cảm.


“Một số công ty dịch vụ vận tải biển còn lợi dụng việc vận chuyển hàng ra nước ngoài, khi quay về thì kết hợp vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam (chủ yếu là hàng tiêu dùng, pháo nổ các loại), hoặc lợi dụng việc qua lại khu vực biên giới để vận chuyển thuốc lá lậu, hóa mỹ phẩm các loại. Tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, phức tạp, trang bị và sử dụng vũ khí “nóng” ngày càng nhiều, và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện và bắt giữ”, đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.


Làm tốt việc chấp pháp


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo 127/TW, Cục CSB đã mở đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển cho toàn lực lượng từ ngày 15/11/2012 đến 15/3/2013. Đây là đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.


Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cục CSB Việt Nam cho biết: Cục CSB đã họp quán triệt, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, và yêu cầu toàn lực lượng khắc phục những khó khăn, tồn tại, xác định địa bàn, vùng biển, tuyến, lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng trọng điểm để tập trung nắm, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Yêu cầu toàn lực lượng chủ động, linh hoạt trong sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh phải toàn diện. Trong đó, coi trọng biện pháp trinh sát và điều tra cơ bản, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chống tội phạm, vi phạm và quản lý, bảo vệ nội bộ. Làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng Hải quân, Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và các ngành ở địa phương trong nắm tình hình, phát hiện và bắt giữ, xử lý. Quyết tâm thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển đạt kết quả cao nhất.


Sau hơn ba tháng thực hiện đợt cao điểm, công tác nắm tình hình bảo vệ an ninh chủ quyền, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển, nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, công tác phối hợp đấu tranh với tội phạm về ma túy của lực lượng CSB Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lực lượng CSB đã tổ chức trên 50 đợt trinh sát nắm tình hình trên các vùng biển, tuyến biển, địa bàn trọng điểm. Qua tuần tra, kiểm soát đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý 21 vụ buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. Trong đó, khởi tố theo thẩm quyền bốn vụ, bàn giao cho Cơ quan điều tra 9 tàu, 45 đối tượng để tiếp tục điều tra theo quy định. Điều tra ban đầu và bàn giao hồ sơ, tang vật cho Công an khởi tố một vụ với một bị can, xử lý hành chính 17 vụ. Tang vật tịch thu gồm 24 kg thuốc nổ, 93 kíp nổ điện, 5.821 tấn tinh quặng sắt, 8.000 bao thuốc lá điếu, 7.606 tấn than, 917.822 lít xăng và 817.440 lít dầu nhập lậu, 17,8 m3 (25 tấn) gỗ trắc, 6.087 hộp gạch men cao cấp, 4.005 thùng bát đĩa các loại, 1.660 kg vải rèm cửa, 1.850 tấm mặt kính bếp ga; 280 tấn cổ, cánh, chân gà và 28 tấn thịt bò tạm nhập, tái xuất... Trị giá hàng hóa, tang vật thu giữ trong 3 tháng cao điểm, gấp 30 lần so với cả năm 2011 và 2,5 lần so với trị giá hàng hóa, tang vật thu giữ từ khi thành lập Cục đến hết năm 2011.


Trên cơ sở trao đổi thông tin chống cướp biển với lực lượng CSB các nước Malaixia, Xinhgapo và dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu, Cục CSB đã triển khai các lực lượng, phương tiện, biện pháp, hoạt động trinh sát, vũ trang. Tuần tra, kiểm soát và hợp tác quốc tế để tổ chức truy tìm, phát hiện và trấn áp, bắt giữ vụ cướp biển với 11 đối tượng mang quốc tịch Inđônêxia, giải cứu thành công tàu ZAFIRAH bị tấn công và cướp trước đó trên vùng biển Inđônêxia khi đang chở trên 300 tấn dầu. Quá trình bắt giữ cướp biển, Cục CSB đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng và các cơ quan Bộ Quốc phòng; cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chống cướp biển nắm chắc nhiệm vụ, kiên quyết, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng CSB tiến hành kiểm tra tàu HP3259 chở than trái phép.
Ảnh: Hồng Quân – CSBVN


Đặc biệt trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy CSB đã phối hợp điều tra, đấu tranh 32 chuyên án, vụ án, bắt 46 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm: 5 bánh và 499,56g hêrôin, 796 viên và 9,4g ma túy tổng hợp, 15 xe máy, 36 điện thoại di động và 57.227.000 đồng. Trong đó, lực lượng chức năng phòng chống tội phạm ma túy Cục CSB đã khởi tố theo thẩm quyền 15 vụ. Toàn bộ số vụ án và tang vật trên đã được bàn giao cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Cục trưởng pháp luật Cục CSB Việt Nam, đợt cao điểm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chống tội phạm, vi phạm trên biển diễn ra trong thời gian ngắn, triển khai đồng bộ trên địa bàn rộng. Kết quả đạt được là toàn diện cả về ngành hàng, loại hàng, tội phạm an ninh, tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại; cả về vi phạm chủ quyền và vi phạm an ninh, an toàn hàng hải.


“Đợt hoạt động cao điểm đã tạo không khí mới cho toàn lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị. Các cơ quan nghiệp vụ đã có thành tích trong phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm trên biển. Nhiều đơn vị đã phát hiện, bắt giữ và thu được số lượng hàng lậu, hàng không có nguồn gốc có giá trị lớn như: Phòng Trinh sát thuộc Cục CSB, Vùng CSB3, Vùng CSB4, Cụm Trinh sát số 2, Vùng CSB1. Qua đợt cao điểm, lực lượng CSB đã có sự chuyển biến tích cực rõ rệt. Trình độ, kinh nghiệm trinh sát, điều tra tố tụng, xử lý hành chính của cán bộ, nhân viên từng bước được nâng cao. Tinh thần đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm tính kiên quyết, liên tục. Sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị có sự gắn kết, hiệu quả. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đã sát thực tiễn hơn, bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, đúng chức năng và phát huy được trách nhiệm của cán bộ trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan, đơn vị CSB đã thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, qua đó nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện về nhiều mặt của các lực lượng. Đặc biệt, là sự chỉ đạo thường xuyên của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan trực thuộc Bộ...” , thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cục CSB Việt Nam khẳng định.


Ghi nhận những kết quả mà lực lượng CSB Việt Nam đã đạt được, tại Hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển vừa được Cục CSB Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Thời gian tới, tình hình trên biển vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Xu hướng nhiều nước hướng ra biển và bọn tội phạm, vi phạm trên biển sẽ không giảm đã và đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề đối với lực lượng CSB Việt Nam. Tôi đề nghị toàn lực lượng nêu cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, giữ vững ổn định chính trị và an ninh trên biển, góp phần làm giảm tội phạm trên biển. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, các địa phương... để tạo sức mạnh tổng hợp, chủ động duy trì giữ vững an ninh trên biển. Các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục theo dõi, giúp đỡ để tháo gỡ những khó khăn cho lực lượng CSB Việt Nam. Cục CSB và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần có biện pháp tổ chức lực lượng, tập trung đấu tranh vào các đối tượng, địa bàn trọng điểm, toàn diện cả về địa bàn, ngành hàng...”.


Viết Tôn

Phối hợp chặt để chống buôn lậu và gian lận thương mại
Phối hợp chặt để chống buôn lậu và gian lận thương mại

Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm và gian lận thương mại đang có những diễn biến phức tạp với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN