'Nóng' tình trạng phá rừng tại Kon Tum

Thời gian gần đây, khu vực phía Nam Sa Thầy, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) trở thành điểm nóng của tình trạng vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép. 

Đây cũng là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự bởi các đối tượng từ các nơi khác kéo về khai thác lâm sản, thu mua gỗ thuê người đồng bào dân tộc thiểu số vào rừng khai thác…

"Lâm tặc” công khai mang vác gỗ ra khỏi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên- Văn Bàn. Ảnh: Quang Duy – TTXVN


Từ chính sách chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, việc khai thác gỗ tận dụng trên diện tích chuyển đổi đang gây ra một hệ lụy về tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở Nam Sa Thầy. Lợi dụng chính sách khai thác gỗ tận thu trên diện tích chuyển đổi trồng cao su, các đầu nậu thu mua gỗ, “lâm tặc” từ các nơi tìm đường đến "làm ăn". Phức tạp hơn, nhiều đầu nậu thu mua gỗ còn thuê đồng bào dân tộc thiểu số, người nghiện ma túy vào rừng vận chuyển, khai thác gỗ. Nhiều diện tích rừng ngoài mục đích chuyển đổi đang bị xâm hại nghiêm trọng, dù các ngành chức năng đã tăng cường lực lượng, phương tiện ngăn chặn.

Số liệu từ Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy, năm 2014 hạt này đã xử lý 142 vụ vi phạm với 75,801 m3 gỗ tròn và 388,452 m3 gỗ xẻ các loại. Tiến hành khởi tố hình sự 37 vụ (tăng 100% so với năm 2013). 

Ông Trần Tân Văn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết, nguyên nhân dẫn đến huyện Sa Thầy, cụ thể là khu vực Nam Sa Thầy là điểm nóng của tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật là do nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ rất lớn trong khi mặt hàng gỗ lại khan hiếm. Việc lợi dụng chính sách chuyển đồi rừng nghèo sang trồng cao su cũng làm tăng số phương tiện và con người tham gia khai thác gỗ tận thu. Kể cả sau khi có quyết định của UBND tỉnh Kon Tum dừng khai thác số người và phương tiện khai thác rừng vẫn còn bám trụ để làm ăn. Hơn nữa, việc khai thác gỗ đem lại lợi nhuận rất cao trong khi chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm còn nhẹ, chưa đủ tính chất răn đe. Mặt khác, ở khu vực Nam Sa Thầy, tình trạng khai thác gỗ hoạt động rất phức tạp, “lâm tặc” rất hung tợn và có sự bảo kê của xã hội đen nên việc truy quét gặp rất nhiều khó khăn. Việc tiếp giáp với địa bàn với các tỉnh khác cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý và bảo vệ rừng…

Trước tình hình đó, Công an tỉnh Kon Tum đã thành lập các đội công tác với sự tham gia của cảnh sát đặc nhiệm xuống tận địa bàn để tuần tra, kiểm soát, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa bàn Nam Sa Thầy. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Đội công tác tăng cường cơ sở Nam Sa Thầy đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển triển rừng và các vi phạm pháp luật khác, bắt giữ 13 đối tượng, phá dỡ 3 lán trại của các đối tượng, thu giữ 180,708 m3 gỗ các loại… đồng thời chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: để kiểm soát tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như tình hình an ninh trật tự khu vực Nam Sa Thầy, trong thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng như công an, biên phòng, chính quyền địa phương đẩy mạnh truy quét các đối tượng khai thác gỗ. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát các đối tượng, phương tiện nằm ngoài sự quản lý để trục xuất ra khỏi khu vực này. Đặc biệt, Chi cục sẽ tiếp tục duy trì tổ công tác đặc biệt gồm kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương đóng chốt ở khu vực này để nắm tình hình và kịp thời xử lý những tình huống khẩn cấp.


Quang Thái (TTXVN)
Vấn nạn khai thác gỗ lậu ở rừng Hoàng Liên
Vấn nạn khai thác gỗ lậu ở rừng Hoàng Liên

...Mặc dù, Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên cũng đã kiểm tra, xử lý... song những đối tượng này vẫn tiếp tục hoạt động. Những cây gỗ pơ mu nhiều năm tuổi ở rừng Hoàng Liên sẽ ra sao nếu nạn khai thác gỗ lậu ở đây diễn ra và kéo dài...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN