“Đột nhập”…
Thông tin phản ảnh từ người dân cho biết: Bản Hố Than, xã Mường Than dưới chân núi là điểm tập kết và vận chuyển gỗ. Phó trưởng bản Hố Than, Sùng A Dế cho chúng tôi biết: Người dân tộc Thái trên địa bàn huyện thấy lợi từ khai thác gỗ pơ mu đã đổ xô vào rừng thuộc địa phận huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để khai thác về bán. “Anh đứng đây vẫn nhìn thấy nơi tập kết gỗ, có nhiều người lắm, họ chờ gỗ vận chuyển ra rồi chở về nhà”, Phó trưởng bản Sùng A Dế khẳng định.
Các đối tượng chờ gỗ chuyển ra bãi tập kết để đưa về. |
Các đối tượng khai thác gỗ lậu, viện cớ là dân bản, do nghèo không có cái ăn nên đi mua gỗ của những người khai thác ở rừng ra rồi chở về bán cho các lò mộc trong vùng, kiếm mỗi tấm 100.000 đồng. Mùa khô, gỗ chuyển ra nhiều lắm, nhộn nhịp như chợ. Chỉ xuống mấy thanh gỗ, tôi hỏi: Đây là gỗ khai thác từ rừng ra à, bao nhiêu tiền một tấm? Người thanh niên trả lời: Gỗ pơ mu này khai thác từ rừng thuộc địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chở về tới lò mộc bán 800.000 đồng một tấm dài 1m7, rộng 40cm và dày 10cm.
Ai cứu rừng Hoàng Liên?
Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn khai thác gỗ lậu trên địa bàn, ông Sùng A Chua, nguyên cán bộ bản Hố Than cho biết: Tôi làm trưởng bản đã 17 năm, nhưng cũng ngần ấy năm tôi chứng kiến nạn khai thác gỗ ở đây diễn ra một cách công khai như thách thức dư luận, vậy mà không cơ quan chức năng nào vào cuộc. Mỗi lần UBND xã Mường Than họp hay có đoàn tiếp xúc cử tri, dân bản đều có ý kiến các ban, ngành cần vào cuộc để chấm dứt nạn khai thác gỗ nhưng những kiến nghị đều bị bỏ “ngoài tai”.
Phụ nữ cũng tham gia vận chuyển gỗ lậu. |
Do nạn khai thác gỗ và vận chuyển trắng trợn nên đường qua bản tuy mới làm đã hư hỏng. Cây thảo quả của đồng bào trồng trên nương cũng bị mất cắp, gãy đổ, mất mùa, tài nguyên rừng bị tàn phá… Ông Sùng A Chua cho biết: Lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ tạo một đường mòn, mỗi ngày vận chuyển hàng trăm thanh gỗ qua bản, có những tấm to họ phải dùng cả ô tô vào chuyên chở, nhìn mà xót. Trong lúc chúng tôi trò chuyện cùng ông Chua, các đối tượng vẫn ngang nhiên vận chuyển gỗ bằng xe máy qua nhà.
Chiều 21/7, ông Lường Văn Pầng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Than cho biết: Nhiều lần cán bộ xã phối hợp với kiểm lâm, công an đi kiểm tra nhưng chỉ dẹp yên được một thời gian, xong đâu lại vào đấy. Người Mông ở bản dưới chân núi kêu ca nhiều nhưng chúng tôi đành bất lực...
Theo lời ông Pầng, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, các cấp, các ngành cần sớm vào cuộc một cách quyết liệt nhằm tuyên truyền để người dân hiểu không đi phá rừng. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra, lập chốt ngăn chặn và xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán, khai thác và vận chuyển gỗ lậu. Ông Pầng cũng cho rằng, để xử lý vấn đề này không phải một sớm một chiều.
Ông Vũ Xuân Bằng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên khẳng định: Một số hộ nghèo không có tiền nên đi rừng khai thác gỗ về bán kiếm miếng ăn. Kiểm lâm huyện cũng đã kiểm tra và xử lý nhiều lần, nhưng do lực lượng mỏng, không làm triệt để nên nạn khai thác gỗ vẫn diễn”.
Từ năm 2011, lãnh đạo huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Than Uyên (Lai Châu) cùng cán bộ vườn Quốc gia Hoàng Liên đã gặp và ký kết không chặt phá rừng Hoàng Liên, đặc biệt là trên địa bàn xã Mường Than để tuyên truyền cho người dân nhưng nạn khai thác gỗ lậu vẫn không giảm. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Mường Cang có đến 6 - 7 lò mộc, cho thấy nhu cầu mua gỗ pơ mu rất lớn. Để bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ người dân trước mùa mưa lũ, các cấp các ngành huyện Than Uyên cần nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt giải quyết để chấm dứt nạn khai thác gỗ lậu bảo vệ rừng Quốc gia Hoàng Liên…
Bài và ảnh:PV