Cả nước còn 1.068 ca mắc COVID-19
Đến 18 giờ ngày 22/9, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta là 1.068 ca, trong đó 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước (551 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay).
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 22/9 có 10 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (bệnh nhân 751, 794, 793, 811, 1045); bệnh nhân 600 tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam; bệnh nhân 1042 tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu và 3 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh (bệnh nhân 1052, 1053, 1054).
Như vậy, Việt Nam đã có tổng số 957 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam là 35 người. Trong đó, đa số là người cao tuổi, có nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế có 11 người đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 2 người âm tính lần 2 và 12 người âm tính lần 3. Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe đang giảm dần và hiện còn 23.725 người, trong đó 384 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 14.808 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 8.533 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Việt Nam đã có 20 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã 55 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng. Hiện có 24 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện, không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 18 trường hợp đã có kết quả âm tính, 6 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.
Tại thành phố Hà Nội cũng đã qua 34 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng.
Tại Hải Dương, số ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng là 23 ngày.
Khởi tố, bắt tạm giam một viên chức y tế có dấu hiệu lừa đảo
Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh) vừa khởi tố vụ án, khởi tố một bị can là viên chức y tế để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, qua tiếp nhận giải quyết đơn tố giác tội phạm, ngày 18/9/2020, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Thái Bình) đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Duyên, sinh năm 1984, là viên chức của một trung tâm y tế ở Thái Bình (trú tại số nhà 45, tổ 6, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4, điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chiều 22/9, Công an tỉnh Thái Bình thông tin, căn cứ kết quả điều tra ban đầu, ngày 21/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước", Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam bị can đối với Vũ Văn Sơn, sinh năm 1983 (trú tại thôn 5, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" quy định tại khoản 1, điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các Quyết định và Lệnh nêu trên của cả hai vụ án đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Các vụ án nói trên đang được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bản án nghiêm khắc cho các bị cáo phạm tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân"
Ngày 22/9, sau 2 ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án đối với 20 bị cáo trong vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", "Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ".
Hội đồng xét xử khẳng định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia và sự vững mạnh của chính quyền Nhà nước; xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và xã hội được pháp luật bảo hộ.
Các bị cáo dù biết rõ hành vi phạm tội nhưng vì tư tưởng bất mãn chế độ nên vẫn cố tình thực hiện, xem thường kỷ cương, pháp luật, gây hậu quả làm bị thương 2 người và thiệt hại nhiều tài sản. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khanh (sinh năm 1964, thường trú ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), kẻ cầm đầu vụ án, thành viên của tổ chức "Triều đại Việt" bị tuyên phạt 20 năm tù về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" theo điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015, 4 năm tù về tội "Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ" theo điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng.
Hội đồng xét xử tuyên phạt 16 bị cáo cùng về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" mức án như sau: Dương Bá Giang (sinh năm 1971, thường trú xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) 18 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Vũ Hoàng Nam (sinh năm 1996, thường trú Phường 14, quận Tân Bình) 17 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Dương Khắc Minh (sinh năm 1993, thường trú xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) 17 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Nguyễn Minh Tấn (sinh năm 1978, thường trú thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) 18 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Phạm Trần Phong Vũ (sinh năm 1982, thường trú phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) 17 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Nguyễn Thị Bích Vân (sinh năm 1954, thường trú phường Tân Thới Nhất, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) 12 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Hồ Anh Tuấn (sinh năm 1973, thường trú Phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) 9 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.
Võ Công Hải (sinh năm 1965, thường trú xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) 9 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1957, thường trú thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) 9 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Trương Thị Trang (sinh năm 1983, thường trú thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) 9 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Trần Văn Đoan (sinh năm 1988, thường trú thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) 9 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.
Điểu Lé (sinh năm 1952, dân tộc S’Tiêng, thường trú xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) 7 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Điều A Nam (sinh năm 1986, dân tộc S’Tiêng, thường trú xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) 7 năm tù, phạt quản chế 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Trần Thị Thu Hạnh (sinh năm 1981, thường trú thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) 3 năm tù, phạt quản chế 2 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Nguyễn Tấn Thành (sinh năm 1990, con trai của Nguyễn Khanh) 3 năm tù, phạt quản chế 2 năm sau khi chấp hành hình phạt tù; Hồ Nguyễn Quốc Hưng (sinh năm 1981, thường trú Phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) 10 năm tù, tổng hợp với bản án trước của Tòa án nhân dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 13 năm 6 tháng tù. Ba bị cáo Nguyễn Trung Trực bị tuyên phạt 2 năm tù giam, phạt bổ sung 10 triệu đồng; Nguyễn Khắc Sinh Nhật (sinh năm 1981, thường trú xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) 2 năm tù, Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1991, thường trú xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội "Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ".
Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc các bị cáo Khanh, Giang, Nam, Minh liên đới bồi thường cho Công an Phường 12, quận Tân Bình số tiền thiệt hại là gần 350 triệu đồng và số tiền điều trị cho 2 bị hại trong vụ nổ.
Theo Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử các bị cáo không có kiến nghị gì về công tác của các cơ quan điều tra, tố tụng; khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố, phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, lời khai của bị hại và các chứng cứ, hồ sơ liên quan, cho thấy cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát đã phân tích rõ hành vi phạm tội, vai trò của từng bị cáo và đề nghị mức án tương xứng. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đồng tình về tội danh truy tố nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, hiểu biết pháp luật còn hạn chế... Nói lời sau cùng, các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức "Triều đại Việt" thực hiện, sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố để lật đổ chế độ Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cầm đầu tổ chức này là Ngô Văn Hoàng Hùng (thường gọi là Ngô Hùng), là kẻ phản động lưu vong ở Canada, từng mang án tử hình (sau giảm xuống chung thân) về tội "Âm mưu lật đổ chính quyền" vào năm 1979.
Sau khi vượt biên sang nước ngoài, Hùng thành lập tổ chức "Triều đại Việt", thường xuyên sử dụng mạng xã hội để lôi kéo nhiều người trong nước tham gia tổ chức, trong đó có bị cáo Nguyễn Khanh. Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này Nguyễn Khanh là bị cáo cầm đầu vụ án, lãnh đạo tổ chức "Triều đại Việt" ở trong nước. Nguyễn Khanh được Hùng hứa hẹn phong giữ chức "Chuẩn tướng, Tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai". Hùng chuyển cho Khanh tổng cộng 144 triệu đồng và 600 đô la Canada (CAD).
Sau khi nhận tiền, Khanh mua 5 kg thuốc nổ và 20 kíp nổ của Nguyễn Trung Trực (sinh năm 1982, thường trú xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) và lấy 7 kg thuốc nổ và 25 kíp nổ đã tự mua trước đó từ Hà Văn Dương đưa hết cho Dương Bá Giang (sinh năm 1971, thường trú xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để chế tạo 10 trái nổ, kích nổ bằng điều khiển từ xa.
Sau đó, Khanh chỉ đạo cho Giang đưa 2 trái nổ cho Vũ Hoàng Nam (sinh năm 1996, thường trú Phường 14, quận Tân Bình) và Dương Khắc Minh (sinh năm 1993, thường trú xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và hướng dẫn cách kích nổ.
Ngày 20/6/2018, Nam và Minh mang theo hai trái nổ, 1 giấu trong ba lô màu đen, 1 để trong hộp đựng quà sinh nhật tới trụ sở Công an Phường 12, quận Tân Bình vào lúc 14 giờ. Minh ở ngoài xe chờ còn Nam trực tiếp vào trụ sở công an phường, gặp cán bộ tiếp dân giả vờ làm thủ tục hành chính. Sau đó, Nam vờ ra ngoài xe lấy hộ khẩu, để balo có chứa trái nổ lại ghế ngồi chờ tiếp dân. Còn trái nổ đựng trong hộp quà sinh nhật, Nam đặt ở khu vực để xe phía ngoài cửa trụ sở công an phường.
Sau đó, Nam dùng điều kiển từ xa kích nổ trái nổ thứ nhất ở trong ba lô rồi chạy ra ngoài lấy điều khiển mà Minh đang cầm kích nổ trái nổ thứ hai ở trong hộp quà sinh nhật. Sau đó, hai đối tượng lên xe tẩu thoát tới điểm hẹn ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai gặp Nguyễn Khanh để báo cáo vụ việc. Ngoài vụ việc trên, Nguyễn Khanh còn giao 1 trái nổ cho Nguyễn Xuân Phương để gây nổ tại trụ sở Công an phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhưng không thành do Phương sợ nên đã ném bỏ xuống khu vực cầu Suối Linh.
Ngày 23/6/2018, Nguyễn Khanh giao 3 trái nổ cho Nguyễn Minh Tấn (sinh năm 1978, thường trú thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) - "Tư lệnh quân khu 4" do Ngô Hùng phong, giao nhiệm vụ cho Tấn gây nổ ở Công an tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang. Vào 2 giờ ngày 5/7/2018, Tấn trực tiếp cùng Phạm Trần Phong Vũ (sinh năm 1982, thường trú phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) dùng trái nổ gây nổ tại trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang.
Vũ trực tiếp đặt trái nổ ở ghế nhựa nằm trong khuôn viên công an tỉnh, Tấn ở ngoài cảnh giới và quay phim. Nguyễn Minh Tấn cũng giao cho Hứa Hoàng Anh (đã chết) 1 trái nổ với nhiệm vụ gây nổ ở trụ sở Công an tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên do sợ, Hứa Hoàng Anh đã đặt trái nổ gây nổ ở trụ điện gần nhà thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Theo Hội đồng xét xử, không chỉ trực tiếp hoặc giúp sức gây ra các vụ nổ, các bị cáo còn tích cực lôi kéo nhiều người ở các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bình Phước. Ngô Hùng đã gửi tiền cho các bị cáo Nguyễn Khanh, Nguyễn Minh Tấn và nhiều bị cáo khác để hoạt động mua vật liệu chế tạo quả nổ, may cờ tổ chức "Triều đại Việt"…
Trong vụ án này, đối tượng Nguyễn Xuân Phương, người được giao nhiệm vụ gây nổ tại trụ sở Công an phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhưng đã không làm và vứt trái nổ xuống sông được Cơ quan điều tra miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do có tình tiết "tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội", thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra.
Còn đối tượng Hà Văn Dương là người bán 7 kg thuốc nổ và 25 kíp nổ cho Nguyễn Khanh vào năm 2007 thì thoát truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi của Dương đã hết thời hiệu truy cứu (10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng).