Tuyên tử hình với hai bị cáo vụ án tại Đồng Tâm
Chiều 14/9/2020, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành tuyên án các bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). 29 bị cáo đã bị tuyên án trong trong vụ án này.
Hội đồng xét xử tuyên án phạt 6 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức cùng lĩnh án tử hình; Lê Đình Doanh bị phạt tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù về cùng tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o – Bộ luật Hình sự năm 2015.
23 bị cáo còn lại bị Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù về cùng tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, có 14 bị cáo được tuyên hưởng án treo và được trả tự do sau phiên tòa.
Đề nghị khai trừ Đảng với 4 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận Kỳ họp 48, tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận về hình thức kỷ luật với một số cá nhân và tập thể.
Trong đó, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 4 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Đà Nẵng do đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gồm các đồng chí: Văn Hữu Chiến, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Thành ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Điểu, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Đào Tấn Bằng, Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng.
Bão số 5 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 8 giờ ngày 19/9, bão số 5 đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 110 người bị thương, trên 22.600 nhà bị sập, tốc mái và bị ngập, 115 ha lúa và 170 ha hoa màu bị thiệt hại, 40 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng...
Bên cạnh đó, có 36 cột điện bị gãy đổ, 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 3 trụ thông tin bị gãy; 15 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ. Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sự cố và mất điện (đến 7 giờ/19/9: Thừa Thiên- Huế đã khắc phục được 75%).
Ngoài ra, có 6,2km bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sạt lở ăn sâu từ 5 - 10m; một số nhà quản lý vận hành hồ chứa, trạm bơm bị tốc mái; 3 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh; 1 điểm trên Quốc lộ 9 qua địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở; 2 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh; 1 điểm trên tuyến đường 14G qua địa bàn huyện Đồng Giang, Quảng Nam bị sạt lở; 135 điểm đường liên xã thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở; 1 cầu treo bị cuốn trôi.
Hiện các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 đang khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị tuyên phạt 8 năm tù
Sáng 20/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù giam về tội danh trên.
Đã 18 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Tính đến 18 giờ ngày 20/9, đã 18 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Theo đó, cả nước có tổng cộng 1.068 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 24.396 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 410 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.790 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 9.196 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 14 ca, lần 2 là 3 ca, lần 3 là 22 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 35 ca tử vong do COVID-19, số ca điều trị khỏi là 942 ca.
Đề xuất bỏ phương án "điện một giá"
Ngày 18/8, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp bàn về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, được Bộ đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia và người dân trong thời gian qua. Tại cuộc họp, sau khi tính toán và cân nhắc, nhiều ý kiến đã đề xuất rút phương án "điện một giá".
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vừa qua, Cục Điều tiết điện lực đã đưa ra dự thảo biểu giá điện bán lẻ với 2 phương án biểu giá điện gồm 5 bậc thang và biểu giá điện một giá để lấy ý kiến dư luận.
Sau khi Bộ Công Thương đưa ra các phương án lấy ý kiến rộng rãi dư luận, Bộ nhận được nhiều ý kiến. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các phương án 2A, 2B (có lựa chọn điện một giá) đem lại khách hàng nhiều sự lựa chọn, nhưng có điểm hạn chế khi không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ.
"Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực kiến nghị cho rút các phương án giá điện một giá tại phương án 2A và 2B. Thứ hai, tiếp tục giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng điện của nhân dân", ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.
Còn theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phương án điện một giá, qua tính toán của Đề án thì dự kiến, phương án giá này có tỷ lệ hộ tiêu dùng điện áp dụng rất ít, chỉ khoảng 2% trong tổng số hộ. Số các hộ có thể lựa chọn có lợi trong việc sử dụng điện một giá. Đó là phương án chưa được phổ biến lắm.
Ông Dũng cho rằng, số ít các hộ này là những người có thu nhập cao, không bị ảnh hưởng bởi mức độ tiêu thụ điện nhiều, lại được giảm tiền điện khi lựa chọn phương án điện một giá thì chủ trương khuyến khích tiết kiệm điện sẽ không đảm bảo được. Đây là khiếm khuyết trong phương án này. Rất nhiều chuyên gia và người dân không đồng tình với phương án này.
Tại cuộc họp, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng đồng tình rút phương án điện một giá. Ông Kim đề xuất, cần có cơ sở rõ hơn để làm rõ một số nội dung, cách tính khoảng cách giữa các biểu giá mà dư luận quan tâm. Phân tích kỹ hơn các phương án 5 bậc, 4 bậc, và có thể là 3 bậc…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, biểu giá điện nào cũng phải đảm bảo các yếu tố: Hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách; đảm bảo đủ điện cho đời sống hoạt động, sinh hoạt người dâ; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Việc đề xuất điện một giá sẽ thêm lựa chọn cho khách hàng, nhưng số lượng người được hưởng lợi, cũng như lựa chọn phương án này còn ít. Do vậy, có thể bỏ phương án điện một giá ra khỏi Đề án, báo cáo Chính phủ.