Nghệ sỹ quảng cáo sản phẩm sai sự thật cũng cần phải chịu trách nhiệm

Nhiều ý kiến luật sư cho rằng: Nếu nghệ sỹ ký hợp đồng quảng cáo giới thiệu sản phẩm nhưng nói không đúng sự thật về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, người dùng không thấy có kết quả tốt như lời quảng cáo hoặc gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng thì người truyền tải quảng cáo đó phải chịu trách nhiệm.

Người tiêu dùng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường những thiệt hại về mặt dân sự, sức khỏe nếu mua phải sản phẩm giả, quảng cáo không đúng sự thật. Về phía những người nghệ sỹ quảng cáo không đúng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Sở dĩ dư luận đang đặt ra vấn đề này bởi hiện nay Luật Quảng cáo Việt Nam chưa quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quảng cáo cũng chưa quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nghệ sỹ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.

Mới đây, ông Trần Như Tùng - đại diện Công ty CP dược phẩm Elepharma (đơn vị phân phối sản phẩm Scurma Fizzy New) phải gửi lời xin lỗi nghệ sỹ Quyền Linh và người tiêu dùng. "Do trong truyền thông, doanh nghiệp chưa giải thích rõ ràng, tỉ mỉ ngôn ngữ nghiên cứu khoa học nên nghệ sỹ quảng cáo đã gây hiểu lầm cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng đã buông lỏng trong khâu quản lý thông tin và quảng cáo", ông Trần Như Tùng cho biết. 

Trước đó, nghệ sỹ Quyền Linh cũng gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng, khán giả sau khi giới thiệu sản phẩm Scurma Fizzy New. "Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình", nam MC Quyền Linh nói.

Nghệ sỹ Quyền Linh cho biết, anh chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, anh đã nhầm thông tin về công dụng sản phẩm sau khi sử dụng. Anh mong khán giả hiểu rằng bản thân anh không phải là người vì tiền mà quảng cáo một cách "bất chấp".

Cách đây năm 2017, cơ quan chức năng cũng từng phải điều tra lô mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trị giá 11 tỷ đồng của T's Group - doanh nghiệp do bà Nguyễn Thu Trang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, là nhân vật "hot" trên cộng đồng mạng. Hàng loạt người nổi tiếng, trong đó có nghệ sỹ Ốc Thanh Vân đã tham gia quảng bá sản phẩm cho đơn vị này. Vì sự việc này, MC Ốc Thanh Vân phải chịu điều tiếng của dư luận.

Sự việc trên không phải là mới mà những năm trở lại đây, sự "bùng nổ" của Internet, mạng xã hội phát triển, nhiều nghệ sỹ, người nổi tiếng đã từng bị dư luận lên án vì quảng cáo cho các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành, thậm chí còn làm đại lý bán hàng cho những đường dây buôn bán hàng lậu bị công an triệt phá. Có những nghệ sỹ “vô tư” quảng cáo thuốc chữa bệnh theo kiểu “thần dược” khiến nhiều người lầm tưởng, bỏ qua đơn thuốc điều trị của bác sỹ, gây hậu quả khôn lường...

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Các nghệ sỹ, các nhà quản lý nghệ sỹ cần thắt chặt công tác nhận quảng cáo các sản phẩm; cần yêu cầu phía sản phẩm cung cấp các văn bản, chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề như: Chất lượng sản phẩm, được phép lưu hành, phát hành, các cam kết khác có liên quan... Về kịch bản quảng cáo cũng cần xem xét kỹ, tránh những câu từ, nội dung, tình tiết gây hiểu lầm hoặc dễ gây hiểu lầm về công dụng, chức năng, giá thành của các sản phẩm.             

"Cần xem xét, bổ sung các quy định để ràng buộc những cá nhân, đặc biệt nghệ sỹ, người nổi tiếng khi xuất hiện trong các clip quảng cáo, phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình", luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Theo luật sư Hoàng Tùng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần ban hành các văn bản mang tính định hướng, thống nhất hướng dẫn về việc quản lý đối với giới nghệ sỹ, đặc biệt trong các hoạt động nhận quảng cáo; cần xem xét các hình thức kỷ luật nếu nghệ sỹ vi phạm. Đối với Đài truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng, cần thắt chặt công tác kiểm duyệt nội dung, clip quảng cáo trên truyền hình cũng như trên các fanpage của mình trên mạng xã hội.                                

Các công ty tiến hành phân phối, sản xuất các sản phẩm khi đưa lên quảng cáo cần phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình về cam kết chất lượng, quy trình theo đúng quy định của luật. Ngoài ra còn phải tích cực trong việc phòng chống các thông tin không đúng liên quan đến sản phẩm của mình.

“Pháp luật hiện mới chỉ đề cập đến hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp quảng cáo. Nhưng thực chất nhiều hình thức quảng cáo trá hình đã được các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện bằng việc lồng ghép hình ảnh, nội dung vào các bộ phim truyền hình hoặc các nội dung tương tự để quảng cáo gián tiếp. Đồng thời, thông qua các nhân vật trong phim chuyển tải nội dung quảng cáo một cách ép buộc đến người xem. Hình thức quảng cáo thường được thông qua các hợp đồng tài trợ, dù hoạt động này không bị cấm nhưng trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu chất lượng thì người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cũng phải bị liên đới, chịu trách nhiệm”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.
Minh Phương/Báo Tin tức
Đề xuất đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực quảng cáo
Đề xuất đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực quảng cáo

Ngày 27/5, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết đã công văn đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; đồng thời sớm phê chuẩn kế hoạch sửa đổi Luật Quảng cáo phù hợp với xu thế phát triển của truyền thông trong môi trường hội nhập quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN