Theo đó, Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm để ngăn chặn kịp thời những vụ lừa đảo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chuyển quyền sử dụng đất của các đối tượng để người dân biết và nâng cao cảnh giác; có biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhu cầu làm sổ đỏ, vay vốn của đồng bào.
Lực lượng Công an thường xuyên nắm tình hình ở cơ sở, vùng dân tộc thiểu số và thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm để người dân mạnh dạn, tích cực tố giác các đối tượng có hành vi mờ ám, lừa đảo để xử lý kịp thời.
Đồng thời, Công an tỉnh đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thủ tục vay vốn, kiểm tra kỹ các hồ sơ vay liên quan đến người dân tộc thiểu số để tránh rủi ro. Các cơ quan Tư pháp tiến hành điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt liên quan đến sổ đỏ của đồng bào dân tộc thiểu số và các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên có liên quan.
Trước đó, tại các huyện Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết và có nhu cầu vay tiền ngân hàng của người dân tộc thiểu số để lừa đảo chiếm đoạt sổ đỏ, sau đó đem thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc bán cho người khác để trục lợi.
Thủ đoạn của các đối tượng thường là dò la, tìm hiểu nhu cầu vay tiền ngân hàng của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa có sổ đỏ để thế chấp hoặc do người đứng tên sổ đỏ có thu nhập thấp, vay được ít tiền hơn so với nhu cầu nên dùng lời lẽ “ngon ngọt” dụ dỗ, thuyết phục nạn nhân để cho đối tượng làm giúp sổ đỏ, đứng tên trong sổ đỏ giúp vay tiền thuận lợi hơn, được nhiều hơn, còn tài sản (đất) vẫn là của mình và việc ký vào các loại giấy tờ do đối tượng soạn sẵn chỉ là thủ tục, hợp đồng dân sự.
Tuy nhiên, thực chất là đối tượng đã làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên mình lừa nạn nhân ký để chiếm đoạt tài sản, sử dụng sổ đỏ đứng tên mình vay tiền tại ngân hàng, vay ngoài xã hội hoặc bán cho người khác mà không trả lại sổ đỏ, không đưa tiền vay được từ ngân hàng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến khi đối tượng không trả được nợ, ngân hàng đến kiểm tra lô đất để phát mãi tài sản, thu hồi nợ, bà con mới biết đã bị lừa chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mất cả lô đất ngoài thực tế.
Điển hình các vụ việc đã được TTXVN phản ánh trước đó: Như vụ 8 hộ dân ở huyện Chư Sê và Đăk Đoa bị đối tượng Hồ Thị Thu Thanh (trú tại thành phố Pleiku) lừa đảo 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi các hộ dân này sang tên sổ đỏ cho vợ chồng bà với lý do để làm các thủ tục vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Bà Thanh đã lừa đảo hơn 860 triệu đồng từ các hộ dân trên.
Vụ việc xảy ra tại hai xã Ia Bă và Ia Yok, huyện Ia Grai, hàng chục hộ dân rất hoang mang khi đối tượng tên Bình trốn khỏi địa phương sau khi lừa đảo hơn 1 tỷ đồng và gần 10 ha đất nông nghiệp của người dân, cũng với thủ đoạn sang tên sổ đỏ cho Bình để làm thủ tục vay ngân hàng nhanh hơn, được nhiều tiền hơn. Vụ việc bà Hà Thị Toan lừa chuyển tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 hộ ở xã Ia Ko, Ia Lốp, huyện Chư Sê với 18 lô đất có diện tích hơn 10 ha, sau đó sử dụng vay tiền ngân hàng và bán cho người khác. Vụ Nguyễn Thị Kim Đức đã lừa hai hộ ở xã Ia Boòng, huyện Chư Prông chuyển tên 6 lô đất để thế chấp vay tiền của ngân hàng và ngoài xã hội.