Mời vay tiền qua mạng: Ma trận... lừa

Với nhu cầu vay tiền kinh doanh nhưng chưa đủ thủ tục pháp lý để trực tiếp vay vốn từ ngân hàng, hơn nữa trong điều kiện hiện nay, muốn vay tiền ngân hàng cũng không phải là dễ nếu không quen biết hay không có phí “bôi trơn”.


Lợi dụng điều này, các đối tượng “cò”  đã lên mạng rao, mời vay tiền với thủ tục hết sức đơn giản… Và đã không ít người tin tưởng giao hồ sơ gồm toàn bộ hộ khẩu, thẻ tín dụng lẫn cả giấy tờ nhà đất cộng thêm tiền “phí” dịch vụ ban đầu để các “cò” lo lót. Kết quả người cần thì cứ đợi, người giúp là những anh “cò” thì chả thấy đâu, hoặc tìm đủ mọi lý do thoái thác hoặc “gài bẫy” để “nuốt” trọn tiền đặt cọc...


Mời huy động vốn

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cảnh báo các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng cảnh giác với những thủ đoạn huy động vốn qua mạng Internet. Theo đó, một số cá nhân, tổ chức sử dụng mạng Internet nhằm lôi kéo nhiều người đóng tiền để hưởng hoa hồng với hình thức tham gia vào các câu lạc bộ - đó là khi một người tham gia sẽ phải đóng một khoản tiền cố định, tiếp đến sẽ được hướng dẫn cách tiếp tục mời mọc, chèo kéo thêm nhiều người khác cùng tham gia, cùng đóng tiền như mình cho đến khi nào đủ “định mức” thì người đầu tiên sẽ được hưởng tiền hoa hồng; cứ như vậy một ma trận “người - lừa - người” được thiết lập. Theo cảnh báo, đây là hình thức huy động vốn không có lãi suất và được thực hiện không minh bạch thông qua các chiêu thức khuyến mại, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người, trong đó người trước lừa người sau để cùng tham gia nhằm chuộc lợi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các cá nhân gửi tiền. Thực tế hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 


Vay tiền qua mạng - Chiêu "móc" tiền mới

 


Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương thêm một lần nữa cảnh báo việc lừa đảo tiền qua mạng. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia. Cách thức hoạt động của chiêu lừa này là doanh nghiệp sẽ lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, thông qua website, các thành viên sẽ nộp tiền để mở một gian hàng ảo. Để lôi kéo, các doanh nghiệp sẽ hứa hẹn với người tham gia hưởng một mức hoa hồng trong mơ và phần trăm lý tưởng có khi lên đến hàng trăm triệu đồng nếu tiếp tục phát triển mạng lưới gian hàng thông qua việc giới thiệu thêm nhiều người tham gia đóng tiền vào gian hàng ảo.


Với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn, nhiều người đã bị hút vào ma trận hút tiền đa cấp, thi nhau môi giới, chèo kéo người khác kể cả người thân trong gia đình tham gia. Nhưng vì lợi nhuận mà không ít người chủ quan, mù quáng khi không tìm hiểu kỹ cơ chế đóng phí, chứng từ chuyển tiền, quyền lợi và rủi ro sẽ gặp phải, kiểm tra thông tin trên website kiểu này đều trống trơn, địa chỉ ảo. Khi mọi chuyện vỡ lẽ thì cá nhân, công ty lửa đảo cũng đã bỏ trốn, mọi liên lạc đều được thực hiện qua Internet nên đã bị đối tượng xóa hết dấu vết, dữ liệu trên mạng nên sẽ rất khó truy tìm, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho khách hàng. Chính vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định không đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử cho những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này, và khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia những website kiểu này, kêu gọi cá nhân, tổ chức phản ánh hiện tượng để cơ quan chức năng xử lý. 

Môi giới vay vốn ngân hàng

Để nói đến những chiêu lừa đảo tiền qua mạng không thể không đề cập đến dịch vụ môi giới vay vốn ngân hàng. Nắm được nhiều người dân có nhu cầu cần vay vốn từ ngân hàng mà khâu hồ sơ thủ tục chặt chẽ, nhiều công ty môi giới vay vốn ngân hàng đã nhanh chóng xuất hiện. Thông qua các lời rao trực tiếp trên mạng hoặc nhắn tin theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” với bất kỳ số điện thoại di động nào với nội dung “cho vay tín chấp, lên đến 300-400-500 triệu đồng, lãi xuất thấp, thủ tục đơn giản, điều kiện: mức lương trên 5 triệu đồng/tháng, liên hệ…”; thực tế những lời quảng cáo này thực sự đã thu hút một lượng lớn khách hàng có nhu cầu vay quan tâm.


Vào vai khách hàng có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng để thông qua dịch vụ môi giới vay vốn ngân hàng tôi được “đối tác” đáp lại: “Anh đang làm cho cơ quan Nhà nước, muốn vay 200 triệu đồng thì tất cả giấy tờ chỉ cần photo, không cần công chứng. Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, từ 7 đến 15 ngày anh có thể nhận tiền. Bên công ty sẽ thu phí dịch vụ là 3% trên tổng số tiền được vay”. Qua giao dịch trên cho thấy thay vì người đi vay phải nộp một bộ hồ sơ xin vay tín chấp tại một ngân hàng thì giờ dưới sự hỗ trợ của các công ty môi giới, theo như lời quảng cáo thì cùng lúc sẽ vay được nhiều ngân hàng chỉ với một bộ hồ sơ duy nhất (?). Và khả năng vay gấp 15-20 lần mức lương, những công ty này có khả năng thay ngân hàng thẩm định luôn bộ hồ sơ này (?). Thực tế khả năng vay tín chấp ngân hàng của những công ty, dịch vụ môi giới như trên khiến không ít luật sư, chuyên gia bất ngờ và hoài nghi về tính hợp pháp của hình thức môi giới này.

Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng nhận định: “Chắc chắn sẽ không có bất kỳ một ngân hàng nào chấp nhận hình thức cho vay qua môi giới bằng cách dựa vào hồ sơ, xem xét, thẩm định của bên môi giới. Điều đó có nghĩa sẽ không có một ngân hàng ký kết và có giao dịch chính thức với những trường hợp môi giới như thế. Đây đa phần là dịch vụ bất hợp pháp, cò mồi đứng đằng sau lưng và lợi dụng ngân hàng để trục lợi từ người có nhu cầu đi vay”. 

Khi người dân khó vay được vốn từ ngân hàng thì hình thức, dịch vụ môi giới cho vay không khó khăn gì xuất hiện và tồn tại. Tuy nhiên khi tính pháp lý, độ tin cậy của những công ty môi giới này còn chưa được xác thực thì rủi ro tất yếu chỉ thuộc về phía người đi vay. Anh Nguyễn Văn Cường, (phố Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ bài học kinh nghiệm của bản thân: “Hầu hết những cá nhân tìm đến dịch vụ môi giới vay vốn ngân hàng đều mắc ở khâu hồ sơ nên không thể nộp trực tiếp tại ngân hàng; lợi dụng điểm yếu của khác hàng, không ít đại lý hoặc cá nhân tự xưng là các tổ chức đứng ra vay hộ khách hàng với số tiền như mong muốn mà không cần phải mất thời gian làm thủ tục hay hồ sơ không đủ điều kiện vay.

Thường khách hàng sẽ phải nộp một khoản tiền đặt cọc được gọi là phí dịch vụ để “đối tác”… “nhét” hồ sơ vào ngân hàng, hoặc dưới dạng hình thức danh nghĩa “gài” khách hàng vào làm việc tại một cơ quan, tổ chức “ảo” với mức lương đạt chuẩn để hồ sơ hoàn chỉnh. “Đối tác” sẽ cho khách hàng đáp án hoặc “nhắc vở” với lời dặn dò chi tiết rằng, nếu ngân hàng A, B, C gọi điện đến kiểm tra thông tin thì phải trả lời đúng đáp án, nếu sai hoặc nhầm lẫn dẫn đến không vay được thì khách hàng sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc. Và kết quả là những lần kiểm tra (mà khách hàng không biết có thật là nhân viên của ngân hàng không), “đối tác” đều có cách để khách hàng mắc sai lầm nhằm “nuốt” tiền; nếu khách hàng có trả lời đúng thì phía “đối tác” cũng lặn mất tăm”. 

Cảnh giác

Một năm trở lại đây, tín dụng bị thắt chặt nên loại dịch vụ môi giới vay vốn ngân hàng hoạt động cũng cầu kỳ và tinh vi hơn. Nhưng nhu cầu cần tiền, vay vốn của cá nhân trên thị trường vẫn rất lớn nên phải chịu cảnh o ép, tìm đến những dịch vụ bất hợp pháp, lừa đảo - tồn tại ở rất nhiều trang quảng cáo rao vặt với lời mời chào hấp dẫn: vay vốn ngân hàng, thời gian giải ngân nhanh, hỗ trợ hồ sơ, số tiền vay theo thỏa thuận, không cần thế chấp, chi phí trung gian do thỏa thuận… Đến nay, hoạt động môi giới vay vốn ngân hàng được núp bóng dưới các kiểu lừa, một là lừa giúp hồ sơ vay vốn bằng cách hỗ trợ hồ sơ. Khi đó “cò” sẽ giúp khách hàng bằng cách lo cho hồ sơ được duyệt, tránh bị “soi”, chỉ cần nộp một khoản phí từ 3-5% khoản vay.

Khi tiền được chuyển thì “cò” cũng biến mất mà khách hàng cũng chẳng có cơ sở nào để tìm và kiện. Thứ hai là kiểu cho vay nặng lãi núp bóng hỗ trợ vay vốn. Đối tượng này sẽ đứng ra vay rồi thảo một hợp đồng vay vốn với người đi vay với lãi suất cao. Rủi ro sẽ xảy ra nếu khách hàng không thanh toán lãi. Còn khách đều đặn trả tiền vào tài khoản thì đối tượng sẽ rút phần tương ứng ra. Nếu có xảy ra khiếu kiện thì đối tượng vẫn “nắm đằng chuôi” vì có hợp đồng thỏa thuận riêng với khách hàng được ký kết ngay từ đầu. 

Với những chiêu lừa thông qua dịch vụ môi giới vay vốn ngân hàng, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đều khẳng định là hoạt động này đã hình thành và không ít người đã bị lừa. Việc làm dịch vụ ở cầu giữa, trung gian (môi giới, cò mồi) xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề như chứng khoán, bất động sản, vay vốn ngân hàng…

Và các cá nhân có nhu cầu vay vốn phải cảnh giác, không nên quá tin tưởng khi tìm đến dịch vụ này khi không đủ điều kiện vay, hồ sơ không hợp lệ vì dễ dàng bị rơi vào những ma trận thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tiền. Bởi đến nay quy định về vay vốn qua trung gian hiện chưa có luật điều chỉnh và quản lý dẫn đến việc khách hàng dễ dàng mắc mưu bên cung cấp dịch vụ (trung gian môi giới) trong những ràng buộc được “gài” để lừa đảo trong bản hợp đồng vay hộ khi ký kết.

Nếu xảy ra tranh chấp, đối chiếu theo hợp đồng khách hàng thường sẽ bị mất hết tài sản (!) vì thực tế, tất cả các ngân hàng sẽ chỉ nhận những bộ hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện vay vốn và không muốn cho vay qua trung gian, khuyến khích khách hàng trực tiếp tới vay. Ngân hàng muốn biết chính xác pháp nhân vay vốn, để điều chỉnh những hoạt động cho vay ra bên ngoài của các nhân viên ngân hàng ăn phần trăm của khách hàng đã từng xảy ra và ngày một được siết chặt. Chính vì vậy, khách hàng không nên mạo hiểm đánh cược tiền của của mình cho những dịch vụ môi giới vay vốn ngân hàng mà tính hợp pháp của nó còn chưa rõ ràng; không nên thế chấp tài sản của mình cho những cá nhân, công ty “ảo” mà không phải trực tiếp với ngân hàng. 


Theo anninhthudo

 

Bắt một “nữ quái” chuyên mạo danh để lừa đảo
Bắt một “nữ quái” chuyên mạo danh để lừa đảo

Đêm 12-6, cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa tiếp nhận hồ sơ và đối tượng của vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do Ngô Thị Hồng, SN 1987, trú tại thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN