Đặc biệt, một số lượng lớn phương tiện tự ý lắp các thiết bị bơm, hút để hoạt động khai thác cát, sỏi, gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, làm phức tạp, gia tăng các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản và nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy.
Để ngăn chặn tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông vừa ban hành kế hoạch, yêu cầu các lực lượng đường thủy Công an các địa phương, đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sửa chữa phương tiện; tiến hành tổng kiểm tra, xử lý nghiêm và lập danh sách quản lý tất cả các phương tiện tự ý hoán cải để hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên đường thủy. Thông qua công tác kiểm tra, các lực lượng xử lý để tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ phương tiện thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải phương tiện; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý đường thủy nội địa, cơ quan đăng kiểm tạo điều kiện cho người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, đăng kiểm, hoán cải, sửa chữa phương tiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với công tác này.
Tất cả các phương tiện thủy nội địa, hàng hải, tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa đều phải được kiểm tra để phát hiện, xử lý các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sửa chữa phương tiện theo quy định tại Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và các nghị định có liên quan. Bên cạnh đó, đối với phương tiện chở khách theo tuyến cố định, phương tiện du lịch, lễ hội, phương tiện chở khách ngang sông tập trung kiểm tra sâu thêm về các điều kiện an toàn đối với hoạt động chở khách, đặc biệt là thiết bị cứu sinh, cứu đắm, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vi phạm về công dụng, vùng hoạt động của phương tiện; đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa tập trung kiểm tra hạn đăng kiểm để xử lý các phương tiện không đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm.
Đối với phương tiện chở xăng dầu, chở hàng hóa nguy hiểm, cần kiểm tra thêm các quy định bắt buộc về điều kiện hoạt động đối với phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm quy định tại Điều 10, Nghị định số 29/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa.
Với phương tiện lắp thiết bị bơm, hút, phải kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật và tính hợp pháp của các phương tiện bơm, hút theo quy định của đăng kiểm về tiêu chuẩn kỹ thuật và công dụng của phương tiện; xử lý nghiêm tất cả các phương tiện lắp bơm, hút trái phép, sai phép. Lập danh sách quản lý tất cả các phương tiện máy bơm, thiết bị hút hoạt động trên đường thủy nội địa.
Trong quá trình kiểm tra, phát hiện các vi phạm hành chính khác, lực lượng kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định. Kế hoạch cao điểm được thực hiện từ ngày 25/8 đến 25/10, chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện từ ngày 25/8 đến ngày 10/9, tiến hành tuyên truyền các quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, các nội dung kiểm tra, biện pháp xử lý để các tổ chức, cá nhân tham gia giao thông vận tải đường thủy nội địa biết, nghiêm chỉnh chấp hành. Giai đoạn hai từ ngày 11/9 đến 25/10, các địa phương đồng loạt ra quân xử lý.