Thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn, tỉnh Phú Yên đã ra chủ trương xã hội hóa bằng cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí mua xi măng (kể cả chi phí vận chuyển) và hỗ trợ 2 triệu đồng/km đường để phục vụ công tác quản lý, giám sát từng công trình.
Nghị quyết số 75/2013/NQ-HĐND ngày 29/3/2013 của HĐND tỉnh quy định rõ số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng chỉ dành chi cho những người trực tiếp quản lý từng tuyến đường.
Thi công sửa chữa một đoạn đường qua khu dân cư thuộc Phú Yên. |
Theo đó, những đối tượng được hỗ trợ gồm: tổ trưởng, tổ phó, thư ký và kế toán do người dân trong vùng hưởng lợi tự bàn bạc và bầu ra. Tuy nhiên, tại một số địa bàn ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, cán bộ thôn lại ăn chia kiểu “tứ-lục” với tổ quản lý số tiền ít ỏi này.
Xóm Gò Đỗ có 52 hộ dân trong vùng hưởng lợi đã đóng góp 70 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường dài 362 m và bầu tổ quản lý do ông Nguyễn Thanh Bính làm tổ trưởng. Theo quy định, tổ quản lý của ông Nguyễn Thanh Bính được nhà nước hỗ trợ 724.000 đồng.
Ngày 26/1/2015 ông Bính cùng tổ phó đến UBND xã Hòa Thắng để nhận tiền và trực tiếp ký nhận vào phiếu chi của UBND xã. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, cán bộ thôn Mỹ Hòa có mặt tại trụ sở xã đã đề nghị ông Bính trích 40% cho thôn. Không đồng ý nhưng ông Bính cũng đành chấp nhận để lại thôn 280.000 đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bính nói: “Tôi không biết quy định ở trên có chi tiền cho thôn hay không. Nhưng khi hoàn thành, ông Ba Cúc (cán bộ thôn Mỹ Hòa) nói rằng cái này xã nhận hết, nhưng cũng có công của các tổ quản lý tuyến đường nên các ông nhận 60%, còn 40% cho thôn. Tôi thấy Ban nhân dân thôn có quyền lợi, tại sao họ không ký nhận mà bắt mình tôi ký, tôi thấy nó có vấn đề gì trong đó”.
Tương tự, anh Đặng Huỳnh Lưu, Tổ trưởng tổ quản lý một tuyến đường khác đã đến UBND xã Hòa Thắng nhận số tiền 264.000 đồng cũng bị ông Phó thôn Mỹ Hòa yêu cầu trích 40%.
“Tôi thấy không có thông báo nào để mà trích lại cho Ban nhân dân thôn 40% nên tôi không thống nhất. Phó Chủ tịch xã xác nhận không có quy định trích 40%. Khi tôi đề nghị chỉ đưa 60.000 đồng, ông Phó thôn cũng chấp nhận và tôi đã giao tiền”, anh Đặng Huỳnh Lưu khẳng định.
Trưởng thôn Mỹ Hòa, Võ Văn Rõ xác nhận xã, huyện không có chủ trương trên, mà là do người dân trong vùng hưởng lợi họp, thống nhất tự nguyện đóng góp tiền.“Thôn không có chủ trương nào cả nhưng việc này là do những hộ đó đã thống nhất qua nhiều cuộc họp”, ông Võ Văn Rõ nói.
Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp biên bản họp dân, ông Rõ cho biết, chỉ họp thống nhất bằng miệng và cũng không biết tổng số tiền mà cán bộ thôn đã nhận của dân là bao nhiêu, chi vào việc gì.
Điều đáng nói là sự việc trên không chỉ xảy ra ở thôn Mỹ Hòa, mà còn ở nhiều thôn khác của xã Hòa Thắng. Ông Đào Tấn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng khẳng định: “Xã, huyện không có chủ trương, chỉ đạo thôn làm việc này. Tiền Nhà nước hỗ trợ cho các tổ trực tiếp tham gia quản lý, nhưng thôn thu như vậy là không đúng. Chúng tôi sẽ kiểm tra, yêu cầu thôn nào đã thu tiền của các tổ, phải hoàn trả lại, đồng thời sẽ kiểm điểm những cán bộ sai phạm”.
Ông Hữu cũng cho biết số tiền hỗ trợ cho các tổ quản lý là hơn 50 triệu đồng. Nếu tính theo tỷ lệ ăn chia “tứ- lục”, cán bộ các thôn đã hưởng phần hỗ trợ các tổ quản lý khoảng 20 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người nông dân nhưng quan trọng hơn là sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý người dân cũng như đến chính sách đúng đắn của tỉnh Phú Yên trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tin, ảnh: Thế Lập (TTXVN)