Lâm Đồng quyết liệt ngăn chặn tín dụng 'đen', cho vay nặng lãi

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng diễn ra tình trạng vay vốn “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi không thế chấp. Nhiều gia đình không trả được nợ bị các đối tượng tổ chức siết nợ, phải bỏ trốn khỏi địa phương.

Trước tình trạng này, chính quyền thành phố Đà Lạt và các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn thực trạng này.

Theo Công an thành phố Đà Lạt, hoạt động của các băng nhóm, đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, cho vay vốn không thế chấp trên địa bàn diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân và các tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp… Qua công tác nắm tình hình, chính quyền và các cơ quan chức năng đã xác định 22 đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, cho vay không thế chấp với lãi suất cao. Cơ quan chức năng đã phát hiện 20 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” xuất phát từ việc đòi nợ thuê dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ việc với 8 bị can ở các tội danh cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công công; lập hồ sơ xử lý hành chính 4 vụ với 7 đối tượng về hành vi xâm hại sức khoẻ người khác, đập phá tài sản công dân và hiện đang lập hồ sơ tiếp tục  xử lý 3 vụ…

Thượng tá Phan Tất Chí, Phó trưởng Công an thành phố Đà Lạt cho biết: Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là giao dịch vay, mượn tiền "ngầm", người vay và người cho vay đều không muốn tiết lộ thông tin. Lãi suất huy động cho vay cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng, thủ tục đơn giản, đôi khi không cần điều kiện đảm bảo nào. Đó là loại giao dịch dân sự đã bị vô hiệu một phần, ví dụ như vay 70 triệu đồng, sau 3 tháng cả gốc và lãi tăng lên 100 triệu đồng thì 2 bên làm giấy vay nợ 100 triệu đồng chứ không ghi tỷ lệ lãi suất vay… bởi vậy cơ quan chức năng rất khó xử lý. Các đối tượng này thậm chí thuê người dán quảng cáo “cho vay không cần thế chấp” cùng với số điện thoại giao dịch trên các cột điện, bờ tường khắp nơi trong thành phố.

Trước tình hình trên, các cơ quan truyền thông địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền vận động người dân không vay tiền theo hình thức này; tố giác những đối tượng có liên quan đến “tín dụng đen” tới cơ quan chức năng. Các phường, xã, tổ dân phố, lực lượng đoàn viên thanh niên…tổ chức ra quân bóc, xóa tờ quảng cáo “cho vay không thế chấp” dán tại trụ điện. Qua theo dõi, Công an thành phố Đà Lạt đã phát hiện 8 đối tượng đang dán các tờ quảng cáo, thu giữ gần 1.000 tờ, xử lý 2 Công ty Trách nhiệm hữu hạn tài chính và 4 đối tượng có liên quan đến “tín dụng đen”. Hiện nay, Công an thành phố Đà Lạt đang điều tra 2 tổ chức trên danh nghĩa được nhà nước cấp phép dưới dạng Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tài chính, đang củng cố hồ sơ để xử lý.

Bà Trần Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các nhà mạng kiên quyết khóa thuê bao các số điện thoại đăng trên các tờ quảng cáo “cho vay không cần thế chấp”. Tuy nhiên, do những quy định của pháp luật nên việc khóa thuê bao này không đơn giản. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện có 28 số điện thoại thuộc các nhà mạng Vinaphone,  Mobiphone và Viettel đăng trên các tờ quảng cáo, đang được xem xét khoá thuê bao 2 chiều. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn, để tuyên truyền người dân không mắc bẫy của “tín dụng đen”.

Mặc dù chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đang “gồng mình” để ngăn chặn với nạn “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi song tình trạng này vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Nói như Phó Chủ tịch thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn “đã cho lực lượng đoàn viên thanh niên đi xé, sơn phủ lên các quảng cáo tín dụng đen này nhưng ngày hôm sau lại…đâu vào đấy”. Bởi vậy việc ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”  ở thành phố Đà Lạt và các địa phương lân cận cần có sự vào cuộc kiên quyết hơn nữa, đồng bộ hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Gia Lai đẩy lùi tình trạng 'tín dụng đen'
Gia Lai đẩy lùi tình trạng 'tín dụng đen'

Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai xuất hiện tình trạng nhiều tư thương lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để cho vay vốn lãi suất cao kiếm lời bất chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN