Tiếp cận với vốn vay ưu đãi, hộ nghèo tại Gia Lai có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. |
Với phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và các hội, đoàn thể đã xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn NHCSXH đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Cùng với mạng lưới hoạt động, Điểm giao dịch cố định tại 222/222 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ NHCSXH, thủ tục vay vốn đơn giản, vốn tín dụng được giải ngân đến tận tay người nghèo tại các Điểm giao dịch xã, có sự giám sát của các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương từ dó giúp việc chuyển tải nguồn vốn chính sách đến nhanh, đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 15 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai 13 chương trình tín dụng, dư nợ 3.855 tỷ đồng, với gần 139 nghìn hộ vay. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 44,61 lần so với 2003, bình quân mỗi năm tăng 31,02%. Riêng 03 chương trình giảm nghèo có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 59% tổng dư nợ, đã lấp đầy “khoảng trống” chính sách đảm bảo cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững.
Qua 15 năm triển khai cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 131.921 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết tạo việc làm cho 23.655 lao động, giúp trên 57.337 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, giải quyết cho 794 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, giúp trên 10.967 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở, xây dựng được 106.116 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 74.897 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cụ thể giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% còn 11,36%; giai đoạn 2016 - 2017 giảm từ 19,71% xuống còn 13,34%, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, đầy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, là một công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Ông Siu Biếp ở làng Koái, xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho biết: “Trước đây, gia đình nghèo khó, bố mẹ già yếu, nhà đông anh em, gia đình thuộc diện hộ nghèo, quanh năm thiếu ăn phải vay mượn bên ngoài. Được cán bộ xã, huyện động viên nên mình đi vay vốn NHCSXH số tiền 50 triệu đồng để chăm sóc cà phê... hiện nay thu nhập gia đình mình gần 60 triệu đồng/năm. Cái nghèo, cái khó đã dần rời xa gia đình mình. Mình cảm ơn Nhà nước đã có những chính sách cho vay vốn hữu ích như thế này.”
Nhờ vốn vay ưu đãi mà gia đình chị Siêu Mi ở thôn Cư PêR, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh vay 30 triệu đồng đầu tư cải tạo 4.000 m2 đất để trồng cà phê. Ảnh: Quốc Việt |
Ông Hri ở thôn Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được sự tuyên truyền và vận động của cán bộ giảm nghèo xã về chủ trương cho vay hộ nghèo của NHCSXH, năm 2011 gia đình vay 20 triệu đồng để chăm sóc 300 cây cà phê, đến năm 2014 gia đình đã trả nợ và tiếp tục được vay 40 triệu đồng đầu tư thêm 400 cây cà phê. Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH, đến nay gia đình tôi đã đầu tư trồng được 7 sào cà phê, sữa chữa được nhà ở và mua được 1 xe công nông, nuôi 2 con bò. Thu nhập bình quân hàng năm gần 80 triệu đồng. Hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, kinh tế gia đình ngày càng phát triển có đủ điều kiện để đầu tư sản xuất, mua sắm đồ dùng gia đình và lo cho con cái ăn học đầy đủ”.
Tuy nhiên, trên địa bàn tình hình cho vay nặng lãi ở nông thôn vẫn còn xảy ra ở một số nơi chủ yếu vào các mùa giáp hạt, người dân phải đi vay tại các tư thương trong thôn, làng bằng tiền mặt hoặc vật tư nông nghiệp để trang trải cho các chi phí tiêu dùng hàng ngày. Một bộ phận người dân còn chưa ý thức tiết kiệm, chi tiêu chưa hợp lý, các tập tục lạc hậu, lãng phí ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng ngừa trong hoạt động tín dụng đen và kinh doanh cầm đồ trên địa bàn, về phía NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn địa phương, phối hợp các hội, đoàn thể tập trung rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để mở rộng cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ vay.
Tăng cường tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân, phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn hộ vay làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Mặt khác đề nghị chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ và tổ chức sản xuất tích lũy vốn để tái đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và hạn chế việc cho vay nặng lại ở khu vực nông thôn.