Trong đó, 7 vụ vi phạm nổi cộm với số lượng lớn, tổng khối lượng gỗ trên 130 m3, thiệt hại gần 27 ha, đang được ngành chức năng tỉnh đẩy nhanh tiến độ xử lý, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an các địa phương tiếp tục thụ lý, xử lý nghiêm theo quy định.
Cụ thể, các vụ phá rừng nổi cộm xảy ra ở huyện Tu Mơ Rông (3 vụ), Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Glei và Ia H’Drai, mỗi nơi 1 vụ. Trong đó, vụ khai thác rừng trái phép xảy ra tại tiểu khu 119, thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đăk Glei quản lý là vụ việc lớn nhất được phát hiện, với gần 80 m3 gỗ tròn các loại bị thu giữ. Hạt Kiểm lâm các địa phương đã ra quyết định khởi tố các vụ án hình sự về tội danh “Hủy hoại rừng”, “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” để tiếp tục điều tra mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, đối với các vụ án phá rừng nổi cộm, nhất là tại hai huyện Tu Mơ Rông và Ia H’Drai, ngay sau khi phát hiện, tiếp nhận, Cơ quan Kiểm lâm đã thụ lý hồ sơ, tiến hành các bước điều tra xác minh, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Kết thúc quá trình điều tra vụ án theo thẩm quyền, Chi cục Kiểm lâm đã chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị chủ rừng để xảy ra các vụ việc phá rừng. Riêng đối với huyện Tu Mơ Rông, Chi cục Kiểm lâm đã kỷ luật cảnh cáo, khiển trách hai lãnh đạo và 8 viên chức thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tu Mơ Rông; kiểm điểm, kỷ luật và luân chuyển công tác đối với ông Nguyễn Khắc Sương (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông) và ông Đinh Trọng Đức (kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông). Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ rừng tiến hành trồng rừng thay thế, khắc phục tại các vị trí đã bị phá trước đó.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum chia sẻ, công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay của lực lượng Kiểm lâm tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng rất mỏng, trong khi diện tích rừng lớn, đa số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, phát hiện kịp thời các vụ việc rất khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa khô nắng hạn kéo dài, mùa mưa lũ lụt, nước dâng. Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhiều phương tiện bị hư hỏng gây cản trở cho công tác tuần tra, kiểm tra của lực lượng Kiểm lâm.
Đối với 5 vụ án phá rừng nổi cộm xảy ra trong năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã đưa ra xét xử 3 vụ với 23 bị cáo, với tổng hình phạt trên 67 năm tù giam. Hai vụ án còn lại vẫn đang tiếp tục được các cơ quan điều tra để xử lý.
Tỉnh Kon Tum có tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 60%. Việc đẩy nhanh tiến độ điều tra và sớm đưa các vụ án phá rừng nổi cộm ra xét xử của các cơ quan chức năng tỉnh sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã và đang có ý định phá rừng nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” của trái đất.