Điển hình như trường hợp chị Thiều Thị Yến, xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân) nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là cán bộ Công an huyện Thọ Xuân và thông báo tài khoản định danh mức độ 2 của chị đã bị trùng với 2 người khác, đồng thời hướng dẫn chị Yến cách khắc phục. Do nghi ngờ nên chị Yến đã đến ngay Công an xã Thọ Lâm để trình báo. Sau khi được Công an xã kiểm tra, đối chiếu thông tin, tài khoản định danh mức độ 2 của chị không bị trùng thông tin với công dân nào khác.
Tương tự, anh Hoàng Văn Phong, xã Trường Sơn (huyện Nông Cống) cũng nhận được một cuộc điện thoại từ đối tượng tự xưng là Công an và yêu cầu anh Phong làm theo hướng dẫn để cài đặt lại định danh điện tử mức độ 2. Do đã được tuyên truyền, cảnh báo, anh Phong không làm theo và đến cơ quan Công an để trình báo sự việc.
Mới đấy nhất, Công an xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa kịp thời ngăn chặn vụ giả danh cán bộ Công an lừa đảo trên không gian mạng, giúp người dân không chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Theo đó, khoảng 12 giờ 26 phút ngày 14/4, bà Lê Thị V (sinh năm 1967, tạm trú ở xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, thông báo tài khoản định danh của bà bị lỗi, chưa làm được định danh mức 2, sau đó yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân.
Khoảng 20 phút sau, bà V tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại khác tự xưng là cán bộ Công an huyện Hoằng Hóa, thông báo “bà V có mở một tài khoản ở Ngân hàng An Bình, bằng số chứng minh thư và đang nợ hơn 86 tỉ đồng. Đặc biệt, số tiền trên có liên quan đến vụ việc mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền”. Sau khi thấy bà V hoang mang, lo sợ, đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền; vì không có tài khoản ngân hàng, đối tượng yêu cầu bà về lấy sổ tiết kiệm đi rút và chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi về nhà lấy sổ tiết kiệm, bà V đã liên hệ với Công an xã Hoằng Thắng để được giúp đỡ. Nhận được thông tin, Công an xã Hoằng Thắng đã đến nhà bà V để giải thích đây là hành vi lừa đảo và kịp thời ngăn chặn thành công vụ việc...
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/4 đến nay, lực lượng chức năng đã ngăn chặn 125 vụ giả danh Công an gọi điện đe dọa, thông báo, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để làm căn cước công dân, tài khoản định danh, hoặc hướng dẫn nạn nhân cài đặt ứng dụng “Dịch vụ công”, “VNeID” giả mạo; 105 vụ giả danh là cán bộ cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia; phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn; thông báo nợ cước viễn thông, tiền điện, để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp hoặc cung cấp mã OTP của tài khoản để phục vụ công tác điều tra, sau đó bị chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, Công an tỉnh ghi nhận có 11 vụ lừa đảo cho vay tín dụng online nhưng không chuyển tiền cho nạn nhân, sau đó gọi điện đe dọa, yêu cầu nạn nhân thanh toán khoản vay giả nêu trên; 6 vụ lừa đảo bán tài liệu, phương tiện, yêu cầu tổ chức các lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm trục lợi; 5 vụ chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook để nhắn tin cho người thân, bạn bè của nạn nhân vay tiền, yêu cầu chuyển tiền; 4 vụ thông báo về các chương trình khuyến mãi, tặng quà tri ân khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản để tham gia hoặc thông báo bạn đã trúng thưởng; 4 vụ giả vờ tiếp cận, kết bạn qua mạng xã hội, nhắn tin gửi/nhận quà từ nước ngoài; 2 vụ gọi điện cho nạn nhân thông báo người thân bị tai nạn, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân; 1 vụ sửa ảnh và gửi ảnh “thanh toán chuyển khoản thành công” giả để lừa đảo…
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố 38 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố 22 bị can; trong đó, khởi tố 20 vụ án, 14 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (đã làm rõ 9 vụ, 14 bị can).
Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tư pháp để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản hoặc nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo. Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống, tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài, các đường link lạ; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại cho người khác.
Khi gặp các tình huống có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời điều tra làm rõ. Trong trường hợp nghi ngờ điện thoại bị chiếm quyền điều khiển từ xa, người dân phải lập tức xóa các ứng dụng lạ đã cài đặt, khóa tạm thời các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tháo sim điện thoại khỏi máy và khôi phục lại cài đặt gốc của thiết bị, hoặc báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời...