Khó kiểm soát xoài nhập lậu qua biên giới

Mặc dù quả xoài chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhưng hiện nay loại hàng hóa này từ Campuchia nhập vào địa bàn tỉnh Kiên Giang rất khó ngăn chặn và gần như không kiểm soát được.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xoài keo qua biên giới với số lượng lớn vào ban đêm rầm rộ hết sức phức tạp. Việc mua bán xoài nhập lậu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên diễn ra bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Chợ xoài… hoạt động công khai

Những ngày qua, ghi nhận trên khu vực vùng biên, tầm khoảng 19 giờ tối trở về sáng, xe hai bánh cải hoán vận chuyển hàng hóa chở đầy xoài từ hướng những cửa tiểu ngạch, đường mòn trên tuyến biên giới giáp Campuchia nườm nượp chạy về khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thuộc địa bàn xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Cùng với đó, nhiều xe tải nhỏ, xe bán tải mang biển số Việt Nam và Campuchia cũng tham gia vận chuyển xoài đến khu vực này. Tại đây, xoài đưa vào các cơ sở kinh doanh trái cây, vựa xoài để phân loại, đóng kiện đưa lên xe tải đang chờ sẵn vận chuyển về thị trường thành phố Rạch Giá, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Tất cả hoạt động này diễn ra công khai, nhộn nhịp trong sự lúng túng xử lý của các lực lượng chức năng, do xoài không phải là sản phẩm hàng hóa nghiêm cấm vận chuyển, mua bán, kinh doanh. Chủ một vựa xoài tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, các cơ sở vựa trái cây ở đây hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, không mua bán hàng quốc cấm. Qủa xoài của nông dân trồng đem đến bán thì cơ sở thu mua phân phối cho nhu cầu thị trường, vì xoài từ trước tới giờ không phải là hàng cấm trong nội địa.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nông dân vùng biên giới Hà Tiên, Giang Thành của Kiên Giang trồng xoài rất ít, sản lượng thu hoạch hằng năm không đáng kể. Trong khi đó, cư dân tỉnh Kampốt vùng biên giới Campuchia khu vực giáp với Kiên Giang mở rộng diện tích đất trồng xoài keo, sản lượng hằng năm khá lớn và đưa sang Việt Nam tiêu thụ. Hơn nữa, đây là thời điểm thu hoạch xoài chính vụ của cư dân Kampốt (Campuchia).

Như vậy, không có việc hàng chục cơ sở kinh doanh trái cây, vựa xoài khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thu mua xoài của nông dân Hà Tiên, Giang Thành mà thực chất là họ đang thu mua xoài keo từ Campuchia nhập lậu sang Kiên Giang. Khó xác định chính xác số lượng xoài keo từ Campuchia tuồn qua biên giới vào địa bàn Kiên Giang là bao nhiêu, nhưng qua quan sát mỗi đêm có rất nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển đầy xoài theo Quốc lộ 80 đi về thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh phân phối cho thị trường.

Một cán bộ thực thi nhiệm vụ khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho hay chỉ ngăn chặn, bắt giữ, xử lý khi các đối tượng vận chuyển xoài vừa vượt qua biên giới. Còn khi xoài lậu đó nhập vào các cơ sở kinh doanh trái cây, vựa xoài tại đây thì rất khó xử lý, vì không có văn bản pháp lý nào nghiêm cấm kinh doanh, mua bán, vận chuyển quả xoài trong nội địa.

Ngăn chặn xoài nhập lậu

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết, trước tình trạng hộ kinh doanh ở khu vực Cửa khẩu Hà Tiên thu gom hàng xoài tươi từ Campuchia nhập vào Việt Nam không qua thủ tục kiểm dịch và hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã xây dựng kế hoạch ngăn chặn việc nhập lậu hàng hóa chưa qua thủ tục kiểm dịch và hải quan nhằm bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Hải quan, Luật An toàn thực phẩm và Luật Môi trường. Theo đó, trong tháng 2/2017 tạm giữ 8 xe tải vận chuyển trên 66 tấn xoài nhập khẩu trái phép không qua thủ tục kiểm dịch, thủ tục hải quan và tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã tổ chức làm việc với phía Hải quan Campuchia để thông tin cho phía bạn biết và thông báo cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân Campuchia biết quả xoài phải có phân tích nguy cơ dịch hại, được cấp giấy phép kiểm dịch thực vật mới được phép nhập vào Việt Nam để chấp hành tốt.

“Chúng tôi thông báo rõ chế tài đối với việc nhập mặt hàng quả tươi không qua thủ tục kiểm dịch, không qua thủ tục hải quan thì người bị tạm giữ hàng sẽ bị phạt tiền và bị tiêu hủy xử lý hàng hóa và phải chịu kinh phí về tiêu hủy hàng hóa”, ông Tuyến nói.

Tiếp đến, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cũng làm việc với các hộ kinh doanh trái cây ở khu vực biên giới để thông báo rõ ràng các vấn đề trên để các doanh nghiệp hiểu và chấp hành. Đồng thời đề nghị UBND thị xã Hà Tiên chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc ngăn chặn, xử lý mặt hàng quả xoài nhập khẩu trái phép không qua thủ tục kiểm dịch và thủ tục hải quan.

Cùng với đó, Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang đề xuất với UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng Cục Hải quan kiến nghị với Bộ Tài chính trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa mặt hàng quả xoài tươi xuất xứ Campuchia vào danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Qua đó, vừa quản lý mặt hàng quả xoài tươi nhập khẩu đúng quy định, vừa tạo thuận lợi cho cư dân biên giới được mua bán, trao đổi qua biên giới và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ổn định an ninh, trật tự xã hội vùng giáp biên.

Trong khi chưa có ý kiến của các cơ quan cấp trên tháo gỡ về vấn đề này, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vẫn phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, kiểm soát và ngăn chặn xoài keo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam .

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên chia sẻ: “Trong khi quả xoài vướng mắc về vấn đề kiểm dịch chưa được giải quyết thì cư dân biên giới vẫn lén lút vận chuyển mặt hàng này qua các cửa tiểu ngạch, đường mòn và các hộ kinh doanh mua thu gom, sau đó chuyển sâu vào nội địa dẫn đến tình hình hết sức phức tạp. Hệ lụy là xoài chưa qua kiểm dịch không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngân sách nhà nước thất thu lớn và hoạt động buôn lậu quả xoài rất khó kiểm soát, tạo nên tình hình không tốt về an toàn trật tự, an ninh khu vực biên giới”.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Kon Tum: Khó kiểm soát xe công nông, xe máy kéo
Kon Tum: Khó kiểm soát xe công nông, xe máy kéo

Tại Kon Tum, xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển nhanh song việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN