Diện tích rừng bị hủy hoại này là rừng phòng hộ xung yếu do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý. Điều đáng nói, hiện trường vụ việc này nằm ngay bên cạnh Tỉnh lộ 79C và chỉ cách Trạm kiểm lâm Núi Bà trực thuộc Hạt kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chưa đầy 2 km.
Từ thị trấn Lạc Dương, nhóm phóng viên đi theo Tỉnh lộ 79C về phía xã Đạ Sar. Qua Trạm Kiểm lâm Núi Bà của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà khoảng gần 2 km, cánh rừng thông xanh tốt phía bên trái đường xuất hiện những vệt đỏ (màu của cây chết). Đây là cánh rừng thuộc tiểu khu 145B, tuy nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, nhưng lâm phần lại thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9.
Tại khu rừng thông ba lá hàng chục năm tuổi này, nhóm phóng viên chứng kiến 1 đám rừng thông cành lá đã ngả màu vàng đỏ. Những cây thông đó có các vết đục lỗ sâu hoắm dưới gốc rồi bị đổ hóa chất vào vết đục. Đúng như thống kê của cơ quan chức năng huyện Lạc Dương, có tổng cộng 50 cây thông, đường kính từ 25 - 58 cm, cao từ 9 – 14 m bị "đầu độc". Diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 5.457 m2 với tổng trữ lượng lâm sản thiệt hại gần 41 m3…
Theo thông tin ban đầu, vụ việc trên được Ban lâm nghiệp thị trấn Lạc Dương phối hợp cùng nhân viên Kiểm lâm địa bàn phát hiện vào ngày 6/9, báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện và UBND huyện Lạc Dương. Điều đáng nói, đơn vị chủ rừng là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có đặt Trạm Kiêm lâm Núi Bà ở gần khu vực trên nhưng chỉ đến khi được chính quyền địa phương và đơn vị Kiểm lâm đồng cấp thông báo mới biết vụ việc.
Tại Trạm kiểm lâm Núi Bà, ông Trần Đức Trung, phụ trách Trạm cho rằng, vụ việc trên đã được nhân viên của Trạm phát hiện từ trước và đang tổ chức mật phục để bắt quả tang đối tượng phá rừng. Tuy nhiên sau đó, các cơ quan chức năng của huyện Lạc Dương cũng phát hiện vụ việc và báo cáo lên UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, ông Lê Chí Quang Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Mặc dù diện tích rừng trên thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý nhưng chính quyền địa phương vẫn có trách nhiệm phối hợp cùng tuần tra, kiểm soát theo các quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng.
Biên bản kiểm tra về việc phá rừng trái pháp luật lập hồi 9 giờ 30 phút, ngày 6/9/2020 của UBND thị trấn Lạc Dương và Hạt Kiểm lâm huyện Lạc dương thể hiện: Tại tiểu khu 145A, lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có 50 cây thông 3 lá nhóm 4, đường kính gốc từ 25 - 58 cm, chiều cao vút ngọn từ 9 – 14 m bị đẽo gốc đổ hóa chất, hiện cây đã vàng lá 1 phần… Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Lạc Dương đã triển khai nhiều biện pháp để phối hợp điều tra, xử lý vi phạm.
Trước sự việc này, ngày 18/9/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 7685/UBND-LN, chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương đôn đốc các cơ quan chức năng huyện khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ, hoàn thiện hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2020.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thường xuyên tổ chức tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng; kiên quyết giải tỏa ngay các hiện trường bị phá để khôi phục lại rừng. phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Lạc Dương trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định; củng cố lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại đơn vị để nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao, không để các vụ việc tương tự xảy ra.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra khá nhiều vụ phá rừng với mục đích nhằm chiếm đất rừng để lấy đất ở, đất sản xuất. Đáng báo động là các diện tích rừng bị phá không phải ở những nơi heo hút, vùng sâu vùng xa, mà thường nằm bên cạnh các tuyến đường giao thông thuận tiện, gần khu đô thị, thậm chí ngay bên cạnh trụ sở của các đơn vị quản lý bảo vệ rừng hay UBND xã, thị trấn. Điều đáng nói là các vụ việc này lại thường chậm được phát hiện và hiếm khi xác định được đối tượng vi phạm để đưa ra xử lý trước pháp luật.