Thông tư số 02/2014/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng vừa được Bộ Xây dựng ban hành đang gây nhiều tranh cãi.
Một trong những điểm đáng chú ý của thông tư này là cho phép các công trình xây dựng không phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị... được nộp tiền phạt để tồn tại, thay vì bị cưỡng chế, phá dỡ. Có luồng dư luận, quy định của Bộ Xây dựng chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, là hợp pháp hóa cho sai phạm, tạo tiền lệ xấu cho việc xử lý các công trình xây dựng sai phạm ở nội đô.
Theo Thông tư 02, nếu chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất được sử dụng hợp pháp, thì được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình. Điều này có nghĩa, nếu chủ đầu tư đã trót làm sai, hoàn toàn có thể được điều chỉnh giấy phép xây dựng mà không phải tháo dỡ phần xây dựng trái phép. Với công trình vi phạm nhưng chưa thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, cấp thẩm quyền phạt mức 40% đối với nhà ở riêng lẻ, với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng phạt 50% giá trị công trình sai phép, không phép. Với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc cấp giấy phép sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Quy định trên ngay lập tức gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, bởi nó sẽ gây tác động tiêu cực tới lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Thực tế, công tác quản lý trật tự đô thị hiện nay còn quá nhiều bất cập, mà lỗi không chỉ của người dân, mà còn một phần từ phía các cơ quan chức năng, hậu quả để lại không dễ khắc phục. Dưới góc độ pháp lý, Thông tư 02 với quy định cho phép “nộp phạt để tồn tại”sẽ mâu thuẫn với Luật Xây dựng và các quy định của pháp luật về quản lý, xử lý các công trình xây dựng sai phép, không phép. Hơn nữa, thông tư không quy định rõ trường hợp nào được nộp phạt, trường hợp nào sẽ bị tháo dỡ, thậm chí là thu hồi để xung công và kẽ hở này rất dễ bị lợi dụng. Còn dưới góc độ kinh tế, việc cho phép hợp pháp hóa những công trình sai phép sẽ giúp chủ đầu tư thu lợi lớn trong khi mức phạt lại không đáng kể, nhiều chủ đầu tư sẽ cố tình xây dựng sai giấy phép để được nộp phạt.
Thời gian gần đây, tình trạng xây dựng không phép, sai phép xảy ra tràn lan ở nhiều địa phương trong cả nước (nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), mà nguyên nhân là do kỷ cương quản lý đô thị bị buông lỏng. Cách đây chưa lâu, Hà Nội đã ra tay xử lý không ít trường hợp các công trình xây dựng sai phép, tiêu biểu là việc “cắt ngọn” công trình nhà cao tầng số 9 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), tòa nhà số 4 phố Đặng Dung, phá dỡ phần xây dựng vượt phép của tòa nhà chung cư ở phố Nguyễn Chí Thanh... Tuy nhiên, bộ mặt đô thị của Thủ đô vẫn chưa có cải thiện nào đáng kể. Một số tuyến phố mới mở như Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Xã Đàn - Hoàng Cầu..., lặp lại tình trạng nhà xây dựng hai bên đường thò thụt, lô nhô, rồi cả những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” rất mất mỹ quan... Nhiều người lo ngại, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng vốn đang nhức nhối, giờ thêm Thông tư 02 ra đời, không biết bộ mặt đô thị Thủ đô sẽ ra sao?