Theo cáo trạng, vào năm 2017, Tấn và Hạnh có quan hệ tình cảm với nhau. Đến năm 2019, do cần tiền để tiêu xài nên Tấn đã bàn bạc với Hạnh về việc sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để mang đi thế chấp.
Sau đó, Tấn lên mạng internet tìm kiếm và thấy một quảng cáo về việc làm giả các giấy tờ, tài liệu, con dấu nên đã thông qua mạng xã hội Zalo để kết nối với với một tài khoản có tên là Huy (chưa rõ nhân thân, lai lịch), đặt làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và con dấu.
Từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2019, Tấn đã 4 lần đặt hàng với Huy làm giả 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và 6 con dấu; trong đó, có 1 con dấu giả mang thông tin đã đăng ký của Văn phòng Công chứng Tây Nguyên.
Sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các con dấu giả, Tấn và Hạnh đã tự lập các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và dùng các con dấu giả của Văn phòng Công chứng Tây Nguyên làm giả các thủ tục công chứng hợp đồng nhằm làm cho bị hại tin tưởng và giao tiền thông qua việc cho vay có đảm bảo bằng quyền sử dụng đất. Sau đó Tấn và Hạnh chiếm đoạt luôn số tiền vay.
Với thủ đoạn trên, Tấn và Hạnh đã thực hiện 3 vụ lừa đảo để chiếm đoạt 750 triệu đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Công Tấn 18 năm tù, Tống Thị Hồng Hạnh 15 năm 6 tháng tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.