Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích chỉ rõ, số liệu báo cáo về việc xử lý đất “dôi dư”, “xen kẹp” của UBND tỉnh Hải Dương và một số huyện vẫn còn sơ sài, dẫn đến HĐND tỉnh gặp nhiều khó khăn trong giám sát việc triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Hải Dương cho chủ trương về việc xử lý loại đất này nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc, dẫn đến việc triển khai ở cơ sở không tốt. Nhiều địa phương chưa quan tâm, rà soát, thống kê, dẫn đến số liệu không đầy đủ. Việc quản lý diện tích đất “dôi dư”, “xen kẹp” ở một số địa phương thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết: Đất "xen kẹp" là đất công do UBND cấp xã quản lý, sử dụng kém hiệu quả hoặc diện tích đất trống nằm trong khu dân cư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đất "dôi dư" là diện tích hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nằm trong ranh giới khu dân cư theo quy hoạch sử dụng đất, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần diện tích này không có hoặc không nằm trong giấy tờ về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2104 của Chính phủ...
Tại Hải Dương, nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý đất "xen kẹp" thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; đất "dôi dư" thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện. Đối với việc thực hiện chủ trương không chuyển mục đích sử dụng, không lấp ao, hồ, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất ao, hồ, mặt nước có chức năng chứa, điều hòa hoặc tiêu thoát nước của khu dân cư. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, việc xử lý đất “dôi dư” gặp nhiều khó khăn do diện tích đất này thường nhỏ; muốn xác định phải đo thực tế, so sánh với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng gia đình. Còn đối với đất “xen kẹp”, phải tiến hành đấu giá, tiền trích lại cho ngân sách địa phương thấp, nên nhiều nơi tự ý chuyển từ đất “xen kẹp” sang “dôi dư”.
Để đảm bảo xử lý theo đúng quy định, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân; đồng thời hướng dẫn các Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; công bố các thủ tục hành chính về đất đai trên các trang thông tin điện tử của huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường...
Các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cũng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát xác định vị trí quy hoạch cụ thể trong khu dân cư; kiên quyết giữ lại những vị trí ao, hồ rộng, đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản, điều hòa nguồn nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu cho người dân làm nhà ở, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Hải Dương hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất ao, hồ, mặt nước có chức năng chứa, điều hòa hoặc tiêu thoát nước của khu dân cư…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng cho biết: Từ năm 2014 đến tháng 6/2019, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 4 cuộc thanh tra chức năng quản lý Nhà nước về đất đai đối với UBND cấp huyện, xã. Qua thanh tra đã phát hiện một số sai phạm như: Các địa phương chưa thực hiện đầy đủ việc cập nhật, chỉnh lý biến động trên hồ sơ địa chính dạng giấy; lập báo cáo không đầy đủ về kết quả thống kê đất đai, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định. Việc xét duyệt, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân còn chậm. Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về đất đai, còn để một số hộ dân, doanh nghiệp chiếm đất, tự ý san lấp, chuyển mục đích sử dụng đất công. Để xử lý tình trạng này, Ông Sáng đề nghị cần quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương và kiên quyết xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai phạm.
Để phục vụ việc chất vấn tại Kỳ họp HĐND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị: UBND tỉnh Hải Dương hoàn thiện báo cáo với các số liệu đầy đủ. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉnh sửa hướng dẫn để chính quyền các địa phương hiểu rõ hơn và thực hiện đúng chủ trương của tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương cần tập trung chỉ đạo, tăng cường việc thanh, kiểm tra đối với việc xử lý đất “dôi dư”, “xen kẹp” và chủ trương không san lấp ao, hồ trên địa bàn, nhất là ở khu vực nông thôn.
Trước đó, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hải Dương đã giám sát việc xử lý đất “dôi dư”, đất “xen kẹp” và thực hiện chủ trương không san lấp ao hồ tại một số địa phương trong tỉnh. Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Hải Dương chia sẻ, qua giám sát, đoàn nhận thấy việc quản lý loại đất này ở các địa phương rất lỏng lẻo. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng của tỉnh chưa tốt. Vệc lấn chiếm đất công, xây dựng các công trình không phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương…