Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Công an huyện Tân Uyên đã tăng cường lực lượng xuống cơ sở để nắm, giải quyết các vụ việc không để phát sinh thành điểm nóng.
Các trinh sát đã nhanh chóng nắm thông tin, phát hiện, xác minh có đối tượng là Lỗ Văn Dũng tìm đến một số hộ dân ở bản Pá Xôm, xã Trung Đồng (Tân Uyên) tự giới thiệu là Luật sư, có thể gặp các cơ quan Trung ương xin hỗ trợ thêm tiền bồi thường tái định cư cho người dân với điều kiện mỗi hộ phải nộp bảng áp giá, sổ nhận tiền và số tiền 500.000đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, 45 hộ dân ở xã Trung Đồng đã chuyển các loại giấy tờ và 22.500.000 đồng cho"luật sư". Nhưng sau khi nhận tiền, không còn thấy"luật sư" này xuất hiện tại địa bàn, người dân đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng huyện Tân Uyên.
Luật sư dởm Lỗ Văn Dũng. Ảnh: Công Hải - Mạnh Hùng - TTXVN |
Công an huyện Tân Uyên đã phối hợp với Công an thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xác minh đối tượng tên là Dũng, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Theo Công an thị xã Nghĩa Lộ , tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ có một người tên Lỗ Văn Dũng (sinh năm 1972) trùng với đặc điểm nhận dạng. Lỗ Văn Dũng có hộ khẩu thường trú tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội. Tháng 6/2016, Dũng đến tạm trú mua đất, làm nhà tạm và sống như vợ chồng với Lò Thị Hương thường trú ở bản Tông Co 3, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ. Dũng hành nghề lao động tự do, buôn bán tạp hóa. Đến tháng 10/2016, Dũng và Hương đã chuyển lên sống tại thành phố Yên Bái.
Căn cứ vào những tài liệu thu thập được, ngày 14/11, Công an huyện Tân Uyên đã ra lệnh bắt tạm giam Lỗ Văn Dũng; tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Dũng, cơ quan điều tra thu giữ 18kg tài liệu là hồ sơ của các hộ dân, 2 điện thoại, 3 sim điện thoại,1 bộ giấy tờ mua đất, một sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng mang tên Lỗ Văn Dũng.
Tại cơ quan điều tra, Dũng khai nhận, đầu năm 2016, Dũng quen và sống như vợ chồng với Lò Thị Hương, sinh năm 1982 ở bản Tông Co 3. Trong một lần cùng Hương đến nhà ông Hà Văn Giót ở Đội 11, xã Phúc Than, huyện Than Uyên chơi, Dũng biết ông Giót nằm trong diện di dân tái định cư thủy điện Bản Chát và đang cho rằng việc đền bù di dân cho gia đình ông là không thỏa đáng... Dũng đã tự xưng là Luật sư, cam đoan sẽ xin thêm được tiền hỗ trợ cho gia đình ông với điều kiện ông phải đưa tiền, bảng áp giá đền bù và sổ nhận tiền di chuyển.
Ông Giót đã đưa cho Dũng 10 triệu đồng cùng toàn bộ giấy tờ; ông Giót còn giới thiệu Dũng với những người thân quen. Chỉ trong khoảng một tháng đã có hàng trăm hộ dân đến nhờ Dũng giúp. Dũng đã hướng dẫn các hộ dân nộp hồ sơ và kèm theo phí đi lại là 500.000 đồng/hộ. Dũng cam kết đến cuối năm 2016, đầu năm 2017, 100% các hộ nộp hồ sơ sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền .
Với thủ đoạn này, từ tháng 4 đến cuối tháng 10/2016, đã có trên 700 hồ sơ và gần 300 triệu đồng của người dân tái định cư thuộc hai huyện Tân Uyên và Than Uyên được chuyển đến tay Dũng... Toàn bộ số tiền này Dũng đã tiêu xài cá nhân và góp với Lò Thị Hương mua đất tại bản Tông Co 3, thị xã Nghĩa Lộ và gửi tiết kiệm. Số giấy tờ người dân gửi, Dũng bỏ vào bao tải, vứt ở xó nhà, đến khi bị cơ quan điều tra thu giữ.
Bên cạnh đó, vào tháng 8/2016, khi biết Công an huyện Tân Uyên đang tiến hành xác minh, Dũng đã tập hợp thông tin của 10 hộ dân và lấy tên ông Hà Văn Giót cùng nhân dân huyện Tân Uyên và Than Uyên viết đơn mang về Ban bạn đọc của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng vì Dũng không có giấy ủy quyền nên không được tiếp nhận... Đến tháng 11/2016, Dũng tiếp tục viết đơn mang tên Hoàng Văn Thạng, ở bản Pá Xôm, xã Trung Đồng, rồi tự ký tên cùng đơn của ông Hà Văn Giót kèm theo danh sách một số hộ dân, gửi bằng đường bưu điện về Đài Truyền hình Việt Nam. Dũng còn nhắn tin điện thoại đe dọa Phó trưởng Công an huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên. Nhưng tất cả các thủ đoạn của Dũng đã không qua mắt được cơ quan chức năng.
Qua vụ việc này, cơ quan chức năng huyện Tân Uyên khuyến cáo người dân không nên tin, nghe theo lời dụ dỗ, kích động của kẻ xấu làm mất ổn định an ninh trật tự... Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là những chính sách về hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng trước, trong và sau khi di dân tái định cư để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.