Đường vào cảng Cát Lái 3 lần sửa vẫn lún

Hai tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh) là đường Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống mặc dù đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục bị lún, trồi nhựa gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.


Chưa “bắt” đúng bệnh


Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức, đường Mai Chí Thọ (đoạn từ Đồng Văn Cống đến nút giao Cát Lái) và đường Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái có nhiều đoạn bị lún. Đặc biệt khu vực từ vòng xoay Mỹ Thủy dẫn vào cảng, tình trạng lún xuất hiện trên con đường này rất nghiêm trọng, tạo thành những rãnh sâu, gờ cao từ 10 đến 20 cm chạy dài hơn 1 km.

Theo các chuyên gia lún xe quá tải, cấp phối bê tông nhựa sai không phải là nguyên nhân chính.


Việc đường bị lún, trồi nhựa xuất hiện từng đoạn dài đã khiến cho tình hình giao thông tại đây khá phức tạp, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào vì mật độ xe trọng tải lớn, xe côngtenơ ra vào cảng dày đặc. Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, trung bình khoảng 15 ngàn phương tiện tham gia lưu thông qua trục đường này mỗi ngày, trong đó phần lớn là các phương tiện trọng tải lớn như xe tải nặng, xe côngtenơ. Trong đó có khoảng 50% là xe quá tải trọng cho phép.


Trao đổi với báo Tin Tức, nhiều tài xế thường xuyên lưu thông qua hai tuyến đường nói trên và nhiều hộ dân sinh sống xung quanh rất bức xúc vì đoạn đường Đồng Văn Cống đưa vào sử dụng, khai thác hơn 1 năm đã bị hư hỏng. Trong khi đó, đường Mai Chí Thọ khi đưa vào sử dụng chỉ vài tháng sau đã xảy ra tình trạng sụt lún, trồi nhựa. Mặc dù đã được chủ đầu tư sửa chữa nhiều lần nhưng hai con đường này vẫn tiếp tục lún nặng. “Từ khi tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng đã kéo thêm hàng ngàn lượt phương tiện ô tô du lịch tham giao lưu thông vào tuyến đường mỗi ngày khiến nguy cơ mất an toàn giao thông càng đáng lo ngại hơn, đặc biệt là vào trời tối”, anh Nguyễn Văn Bé, tài xế xe côngtenơ bức xúc nói.


Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh và đơn vị chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn đến sụt lún, trồi nhựa cục bộ mặt đường là do xe quá tải chạy quá nhiều. Tuy nhiên, một số chuyên gia về lĩnh vực cầu đường lại cho rằng, ngành giao thông phán đoán nguyên nhân hỏng đường là do xe quá tải cộng thêm việc cấp phối bê tông nhựa sai và sau đó bóc cào lớp bê tông nhựa sửa lại là chưa “bắt” đúng bệnh. “Đường Mai Chí Thọ đã sửa chữa trên 3 lần nhưng sửa xong thì lại hỏng. Như vậy, nguyên nhân nhận định từ cấp phối bê tông nhựa là chưa đúng. Vì nếu cấp phối sai và đã sửa lại 3 lần rồi vẫn chưa ra được cấp phối đúng thì thật vô lý. Ngoài ra, nguyên nhân chính cũng không thể là xe quá tải. Vì nếu là do xe thì sẽ hỏng cả toàn bộ tuyến đường chứ không thể hỏng từng đoạn như thế đồng thời cả xa lộ Hà Nội cũng xuống cấp tương tự. Nếu cho rằng xe quá tải vượt 100% tải trọng thì con đường này đưa vào sử dụng đến 2, 3 năm mới bắt đầu hư hỏng, trong khi vừa đưa vào sử dụng vài tháng là hỏng liền”, Tiến sĩ Phạm Sanh đánh giá.


Phải đánh giá lại


Theo nhận định của các chuyên gia, theo kinh nghiệm của thế giới, việc sụt lún, trồi nhựa mặt đường có rất nhiều nguyên nhân. Có thể do thiết kế nhựa mặt đường thiếu; do đầm nén từng lớp đá, nền không đạt chất lượng; nền đất yếu và cũng không loại trừ nguyên nhân do xe quá tải chạy... “Để giải quyết “căn bệnh” này, tôi cho rằng phải xem xét lại từ công tác khảo sát thí nghiệm địa chất. Có thể là đất yếu mà khảo sát sơ sài. Cái thứ hai là tính toán lượng xe sai, dự báo tải trọng không đúng với thực tế. Từ đó dẫn tới tính toán thiết kế sai tiêu chuẩn. Theo đánh giá từ việc lún, trồi nhựa xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, nếu vết lún dưới 2 cm thì có thể khẳng định nguyên nhân chính là do xe quá tải. Còn lún tạo rãnh sâu như đường Đồng Văn Cống và Mai Chí Thọ hiện nay là chắc chắn do vấn đề kết cấu móng nền, đất yếu”, Tiến sĩ Phạm Sanh nhận định.


Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, cũng cho biết: “Cần phải đánh giá lại toàn bộ hồ sơ chất lượng của hai con đường đang bị lún sụt. Cần thiết sẽ có sự hỗ trợ của những chuyên gia cầu đường, tiến hành thí nghiệm khoan địa chất để thẩm định rõ ràng. Từ đó sẽ bàn bạc đưa ra những giải pháp đúng để giải quyết triệt để vấn đề trên một cách công khai”.


Mặt khác, hiện nay tình trạng xe quá tải lưu thông trên hai tuyến đường Đồng Văn Cống và Mai Chí Thọ vẫn đang còn là “vấn nạn” chưa có “liều thuốc” đặc trị. Theo các chuyên gia cầu đường, xe quá tải cũng là một nguyên nhân góp phần kéo giảm tuổi thọ của hai con đường này. Nếu không gấp rút có những giải pháp đúng thì trong tương lai tình trạng hư hỏng móng nền sẽ tiếp tục lây lan đến những đoạn còn lại. Lúc đó việc sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém. Bởi thế, trước khi tìm ra những biện pháp hiệu quả thì việc “giải cứu” hai con đường nói trên khỏi bị “hành xác” bởi những xe quá tải là một yêu cầu cấp bách. Luật sư Thái Văn Chung, Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, cũng đã có kiến nghị thay đổi phương thức kiểm tra tải trọng xe, tập trung kiểm tra tại các điểm xuất phát hàng, hạn chế việc kiểm tra tải trọng trên đường. “Bởi khi xe đã chở quá tải ra đường thì hạ tầng giao thông đã bị tác động xấu và nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao”, ông Chung cho biết.


Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN