Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy, luộc chín tại chỗ trên 22.000 kg thịt, nội tạng, mỡ lợn.
Cơ quan chức năng tiêu huỷ lợn chết phát hiện tại các cơ sở giết mổ ở huyện Thống Nhất và Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai đánh giá, do tăng cường kiểm tra nên năm 2016 lực lượng thú y đã phát hiện nhiều vụ giết mổ trái phép; kịp thời xử lý số lượng lớn thịt, nội tạng lợn không đạt chuẩn; góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tồn tại gần 100 lò giết mổ trái phép. Các cơ sở này thường có diện tích nhỏ, do cá nhân, hộ gia đình làm chủ, hoạt động trong khu dân cư, mỗi ngày giết mổ trên dưới 10 con, việc giết mổ thường được tiến hành vào ban đêm và sáng sớm.
Hầu hết các cơ sở tổ chức giết mổ ngay trên nền nhà bằng xi măng, không đảm sinh an toàn thực phẩm, thịt, nội tạng động vật sau giết mổ thường được bảo quản sơ sài, sau đó đưa ra bán tại các chợ truyền thống, lề đường. Lợn giết mổ tại các cơ sở này không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, có giá rẻ hơn so với giết mổ tại cơ sở được cấp phép, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở nhận giết cả lợn đã chết (trước khi đưa vào giết mổ), mắc bệnh.
Để xóa bỏ tình trạng giết mổ không đảm bảo an toàn, thời gian tới, Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý lò mổ lậu, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hỗ trợ 10% chi phí đối với những người mang gia súc đến giết mổ tại các cơ sở được cấp phép trên địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh Đồng Nai có 35 cơ sở giết mổ tập trung, vệ tinh, đến thời điểm này, Đồng Nai đã xây dựng được 27 cơ sở.