Điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng đặc dụng tại Đắk Lắk

Ngày 27/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản khẩn chỉ đạo và đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra trên lâm phần của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý, khu vực rừng bị phá nằm trên địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Chú thích ảnh
Hệ thống tời được lắp đặt để vận chuyển gỗ tại hiện trường. Ảnh: TTXVN phát

Qua kiểm tra sơ bộ ngày 26/11, lực lượng Kiểm lâm huyện Krông Ana phối hợp với Công an huyện Krông Ana và Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka phát hiện một số vị trí rừng bị phá, gỗ đã được vận chuyển đi.

Tại tiểu khu 1023 do Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa, huyện Krông Ana quản lý có tập kết một số gỗ xẻ, khối lượng khoảng 2 m3. Đi sâu vào rừng đặc dụng, phát hiện 3 gốc cây bị cưa hạ có đường kính gốc từ 40 - 50 cm, phần thân cây đã bị xẻ lấy đi (vị trí này chưa xác định được lô, khoảnh, tiểu khu).

Tại vị tiểu khu 1024 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka, phát hiện hai gốc cây bị cắt hạ, đường kính gốc từ 1 - 1,5 mét, số gỗ còn lại tại thời điểm kiểm tra là 3 hộp gỗ xẻ có khối lượng 1,5 m3; qua kiểm tra, xác định thời điểm khai thác gỗ xảy ra vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2019.

Ghi nhận tại hiện trường, sau khi đốn hạ cây rừng, các đối tượng phá rừng tổ chức xẻ gỗ thành từng hộp ngay trong rừng, một số gỗ đã được xẻ hộp vẫn chưa kịp vận chuyển ra ngoài rừng.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka có báo cáo cụ thể, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc; chủ động rà soát toàn bộ khu vực xem xét, xác định rõ mức độ xâm hại, làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; triển khai lực lượng ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng, báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để hỗ trợ. Hiện các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tổ chức đo đếm, xác định chủng loại gỗ và mở rộng điều tra để lập hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.

Điều đáng nói, việc phá rừng tại khu vực rừng đặc dụng Nam Ka đã diễn ra trong các năm trước. Vào tháng 6/2018, Thông tấn xã Việt Nam cũng đã phản ánh hơn 10 ha rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka thuộc địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana bị các đối tượng đốt trụi, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có diện tích 20.932,3 ha, nằm trên địa bàn 6 xã thuộc hai huyện Lắk và Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Tuấn Anh (TTXVN)
Buộc đối tượng chủ mưu phá rừng phải trồng lại rừng thông
Buộc đối tượng chủ mưu phá rừng phải trồng lại rừng thông

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đồng thời ra 3 quyết định xử phạt hành chính, xử phạt 3 đối tượng tổ chức phá 1.251 m2 rừng thông để lấn chiếm đất sản xuất tại tiểu khu 151A thuộc địa bàn phường 12, thành phố Đà Lạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN