Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc tập trung thực hiện các giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng. Đây là một trong hàng chục văn bản với nội dung trên được ban hành từ đầu năm 2019 đến nay, sau mỗi lần báo chí phát hiện ra một vụ phá rừng mới.
Tại văn bản số 6688/UBND-LN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký ngày 15/10/2019 đã thừa nhận: “Thời gian qua, Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp triệt để hạn chế tình trạng vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng, kịp thời xử lý nghiêm đối tượng vi phạm và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên tình hình vi phạm về quản lý bảo vệ rừng vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp; nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, đối tượng vi phạm xem thường pháp luật, cơ quan, lực lượng chức năng có biểu hiện lơ là, buông lỏng quản lý…”.
Với nhận định trên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã “kê đơn thuốc” ngay trong văn bản này: “Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị kịp thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp nghiêm trọng trên địa bàn quản lý, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định...”. Thuốc đã có nhưng dường như chưa có bệnh nhân nào được uống nên căn bệnh “nghiện phá rừng chiếm đất” ở tỉnh Lâm Đồng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Có thể điểm qua vài vụ việc xảy ra trong năm 2019 như: Tháng 4/2019, gần 4.000 cây thông 20 năm tuổi bị đầu độc khiến cả cánh rừng 11ha chết trắng trên địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều tra làm rõ, các cơ quan báo chí chỉ tên những kẻ trực tiếp phá rừng và người bao che, bảo kê là cán bộ thuộc các cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, vụ việc dường như đã chìm vào quên lãng.
Khoảng tháng 9/2019, đối tượng Mai Văn Bình (quê ở Thanh Hóa) đã ngang nhiên tới khu vực rừng thông của nhà nước trên đồi Robin thuộc Phường 3, thành phố Đà Lạt, tự ý “quy hoạch khu phố mới” bằng hình thức đóng cọc căng dây, phân thành 9 lô có “quy hoạch” cả đường đi ở giữa nối với khu phố bên cạnh. Sau đó, đối tượng trên đã lừa bán các lô đất cho nhiều người khác.
Đến tháng 10/2019, tại huyện Lâm Hà tiếp tục xảy ra vụ việc hàng chục đối tượng ngang nhiên đưa cưa máy, máy xúc, xe cơ giới mở đường vào chặt phá hàng trăm cây thông 20 năm tuổi ở xã Nam Hà. Các đối tượng này đã “cạo trọc” quả đồi Tên Lửa để chiếm nhiều ha đất sản xuất. Hiện trường vụ việc chỉ cách UBND xã 2km nhưng không có lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn.
Ngày 10/10, UBND phường 3 tổ chức lực lượng đến giải tỏa khu vực trên. Tại hiện trường đã có nhiều cây thông bị chặt phá, đầu độc chết trắng. Khi thấy chính quyền đến giải tỏa, những người mua đất tới tìm hiểu mới vỡ lẽ bị lừa. Tuy họ đã khai rõ tên tuổi, địa chỉ đối tượng phá rừng và lừa đảo người dân nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được người vi phạm để xử lý.
Điều đáng nói là những vụ phá rừng chiếm đất tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đức Trọng… hầu hết đều xảy ra ở gần UBND xã hay trụ sở các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Thế nhưng phần lớn các vụ việc chỉ được phát hiện khi phóng viên đến đưa tin; chính quyền sở tại, cơ quan chức năng địa phương mới đến lập biên bản. Sau đó, vụ trước lại chìm vào quên lãng để vụ sau nối tiếp nổi lên.
Một số vụ việc, kẻ chủ mưu, trực tiếp phá rừng bị khởi tố, điều tra nhưng hiện chưa đưa ra xét xử. Đội ngũ cán bộ, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hầu như chưa bị xử lý vì không làm tròn trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu bao che cho các đối tượng phá rừng. Dư luận cho rằng, phải chăng công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng đang lâm vào tình trạng "trên nóng dưới lạnh", kê đơn mà không cho bệnh nhân uống thuốc khiến vi phạm tái diễn và rừng tiếp tục bị tàn phá.