Không phải đến bây giờ tình trạng vi phạm trong kinh doanh gas, khí hóa lỏng mới được phản ánh. Gas là mặt hàng thiết yếu trong đời sống hằng ngày của người dân. Tuy nhiên do công tác quản lý bị bỏ ngỏ nên nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên kinh doanh trái phép, sử dụng bình gas kém chất lượng, vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ.
Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mới đây lại nóng lên khi Bộ trưởng Bộ Công Thương phê bình gay gắt đơn vị chính thuộc Bộ chịu trách nhiệm chính quản lý lĩnh vực này là Cục Quản lý thị trường.
Hãy cùng nhìn lại những vụ việc vi phạm đã bị phát hiện thời gian qua.
Mới đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình kiểm tra và phát hiện 14 bình gas trái phép tại Công ty TNHH Khí Dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang, được xử lý đốt cháy đen để bong tróc sơn, rồi mài bỏ và thay tên thương hiệu. Công ty này còn tiến hành sang chiết gas trái phép vào các vỏ bình của các doanh nghiệp mà công ty không có hợp đồng sử dụng vỏ bình như Total Gas, Đại Hải.
Hàng loạt bình gas được đốt cháy đen để bong tróc sơn, rồi mài bỏ và thay tên thương hiệu. Ảnh: VTV |
Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đang xem xét xử lý Công ty Phúc Khang về 3 vi phạm: tự ý thay đổi kết cấu vỏ bình gas, sang chiết gas trái phép và sản xuất hàng giả.
Ngày 16/1/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 thị xã Dĩ An, Bình Dương đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại bãi đậu xe container thuộc khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, bắt quả tang hành vi sang chiết gas từ xe bồn 10 tấn sang chai loại 12 kg và 45 kg. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện. Ảnh: Nguyễn Việt/TTXVN
|
Cũng trong ngày 16/1/2018, Đội Quản lý thị trường Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) tiến hành lập hồ sơ xử lý điểm sang chiết gas lậu trên địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 51 bình gas loại 12 kg đang sử dụng để sang chiết và gần 5.000 bình gas mini, 14 khay tự chế dùng cho quá trình sang chiết. Ảnh Mạnh Linh/TTXVN |
Ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Tây Ninh xử phạt vi phạm hành chính 251 triệu đồng với Công ty cổ phần Dầu khí Thắng Lợi về hành vi chiết nạp gas không có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai (loại 12 kg) tại Chi nhánh huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Quyết định áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu 105 vỏ bình gas loại 12 kg các loại gồm 70 vỏ bình gas hiệu Vanloc Saigon; 17 vỏ bình gas hiệu JP gas; 9 vỏ bình gas hiệu VT gas; 9 vỏ bình gas hiệu PV gas. Đồng thời, đình chỉ hoạt động gia công, chiết nạp bình gas thời gian 2 tháng.
Ngày 15/12/2017, Công an thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) bắt quả tang một cơ sở sang chiết hàng trăm bình gas trái phép tại phường Long Bình. Tại đây, ngành chức năng phát hiện 2 công nhân đang thực hiện các công đoạn bao màng co, dán tem giả lên bình gas loại 12kg/bình. Tại hiện trường, cơ sở có gần 220 bình gas giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường. Trong đó, có khoảng 100 bình đã được sang chiết đầy gas và đang trong quá trình dán tem, màng co giả để đưa đi tiêu thụ.
Công an tỉnh Tây Ninh kiểm tra kho chứa bình đựng gas của Công ty TNHH Sản xuất- Thương Mại Thái Dương. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Ngày 20/9/2017, UBND tỉnh Tây Ninh ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương 200 triệu đồng về các hành vi: thay chân đế, cắt quai xách, mài lô gô làm thay đổi hình dạng, kết cấu ban đầu của bình gas trái phép; mua, bán, lưu giữ vỏ bình gas không thuộc quyền sở hữu; nạp gas vào bình quá thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn.
Có thể Bình Dương là điểm nóng về tình trạng sang chiết gas trái phép từ nhiều năm nay. Ngày 20/12/2016, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện bắt giữ tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi sang chiết gas mini trái phép. Tại hiện trường, các đối tượng bỏ lại tang vật, gồm có: 15 bình gas loại 45kg có nước gas, 16 bình gas loại 45kg không nước gas, 33 bình loại 12 kg có nước gas, 49 bình loại 12 kg không nước gas...
Ngày 2/11/2016, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương công bố kết quả kiểm nghiệm 2 lô hàng hơn 400 bình gas của Công ty TNHH một thành viên Tân Xuân An (thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên) và cơ sở kinh doanh gas của ông Nguyễn Văn Đức (xã Hội Nghĩa, Tân Uyên) là hoàn toản giả nhãn hiệu để đánh lừa người tiêu dùng. Các nhãn mác gas bị làm giả nhiều nhất là Petimex, H gas, Saigon Petro, VT gas…
Các bình gas giả nhãn hiệu bị lực lượng chức năng Bình Dương thu giữ. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN |
Theo lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, các loại gas của hai cơ sở trên đều giả nhãn hiệu các loại gas có tiếng, sang chiết không đúng quy trình kỹ thuật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Như vậy có thể thấy, tình trạng vi phạm trong kinh doanh gas đang rất trần lan, phức tạp. Tại cuộc họp hôm qua 18/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phê bình trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan khi không quyết liệt quản lý vi phạm mà chỉ dừng lại ở hô hào tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, sang chiết gas trái phép với đầy đủ bằng chứng mà chỉ lý giải là làm lậu, làm ban đêm, khó kiểm soát thì không chấp nhận được.
Đề cập đến vụ việc chiếm dụng, cắt tai, mài vỏ bình gas và sang chiết gas trái phép của Công ty Phúc Khang (Hòa Bình), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hoạt động của cơ sở Phúc Khang là kinh doanh trái phép. Bộ trưởng cũng đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý thị trường ở địa phương không phát hiện ra và đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc.
Ngoài việc xử lý chưa dứt điểm, có khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để kiểm tra, xử lý, chỉ đạo, chưa báo cáo Chính phủ, để sự việc kéo dài, gây bức xúc dư luận xã hội, Cục Quản lý thị trường cũng chưa làm việc với các cơ quan khác của Bộ để phối hợp, tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thủ tục…
Bộ trưởng đề nghị tổ công tác và quản lý thị trường làm việc với Hiệp hội Gas để làm rõ vi phạm, qua đó kiến nghị biện pháp xử lý; Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý thị trường nghiên cứu lại các quy định, xem xét những tồn tại để điều chỉnh và làm tròn trách nhiệm của mình.