Theo đó, lực lượng chức năng sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ mình.
Tang vật phục vụ sang chiết Gas trái phép. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN. |
Theo Hiệp hội gas Hà Nội và một số đơn vị kinh doanh gas miền Bắc, tình trạng “cắt tai, mài vỏ” sang chiết gas lậu là thực tế nhức nhối nhiều năm nay. Một trong những hình thức được sử dụng nhiều nhất đó là tình trạng thu gom các loại bình gas của những thương hiệu khác đưa về “cải hoán” lại bằng cách mài mòn tên hãng gas in trên vỏ bình, mông má lại sau đó gắn tên công ty mình lên đó để cung cấp cho người tiêu dùng.
“Nạn thu gom, sang chiết bình gas đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng mà hậu quả không lường hết. Không những vậy, hành vi này còn gây thất thu thuế cho nhà nước và ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, đại diện Hiệp hội gas Hà Nội nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Chỉ thị số 13⁄CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội gas Việt Nam, các cơ sở kinh doanh LPG, các đơn vị thuộc Bộ tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG; kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.