Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Tòa tuyên phạt 5 bị cáo (đều nguyên là lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam), gồm: Trần Đức Trung (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên) mức án tù chung thân; Bùi Thị Oanh mức án từ 16 - 17 năm tù, Phan Thị Thoa từ 9 - 10 năm tù; Phạm Văn Lực và Nhâm Sỹ Phúc đều bị đề nghị từ 7 - 8 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trong số 5 bị cáo, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trần Đức Trung là người chủ mưu, tổ chức và điều hành hoạt động của Chương trình “Trái tim Việt Nam”, “Liên kết ba bên” trái pháp luật, gian dối trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người tham gia. Bị cáo Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt của người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” hơn 49 tỷ đồng, trong đó Trần Đức Trung chiếm đoạt cá nhân 26,3 tỷ đồng. Bị cáo Trung còn phải chịu trách nhiệm cùng với các đồng phạm về số tiền 2,7 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các bị hại trong Chương trình “Liên kết ba bên”. Như vậy tổng số tiền bị cáo Trần Đức Trung chiếm hưởng là 29 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bị cáo Trung không thừa nhận hành vi phạm tội, không khắc phục hậu quả. Bị cáo Trung bị đánh giá là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với bị cáo Bùi Thị Oanh, Viện Kiểm sát nhận định bị cáo là người thực hành tích cực hành vi phạm tội, cùng với Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng, Phạm Văn Lực lợi dụng danh nghĩa Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tổ chức Chương trình “Trái tim Việt Nam” trái pháp luật, cùng các bị cáo bàn bạc, thống nhất đưa ra các chính sách hỗ trợ gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người tham gia. Bùi Thị Oanh cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng của người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, trong đó Bùi Thị Oanh chiếm đoạt cá nhân gần 8,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Oanh thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân và các đồng phạm và đã tự nguyện nộp 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo còn lại gồm: Phạm Văn Lực bị xác định đã chiếm đoạt 520 triệu đồng, Nhâm Sỹ Phúc hơn 880 triệu đồng và Phan Thị Thoa hơn 4 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường trả lại cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt. Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định có 1.093 bị hại bị các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam” và chương trình “Liên kết ba bên”, trong đó có 801 bị hại đã xác định địa chỉ rõ ràng, đã được Tòa án triệu tập đến phiên tòa, xác định tổng số tiền các bị hại này bị chiếm đoạt là gần 41,5 tỷ đồng. Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho các bị hại này, chia kỷ phần tương ứng với số tiền từng bị cáo chiếm hưởng. Viện Kiểm sát ghi nhận hai bị cáo Lực và bị cáo Phúc đã tự nguyện khắc phục bồi thường cho các bị hại toàn bộ số tiền chiếm hưởng.
Riêng đối với các bị hại còn lại không có địa chỉ rõ ràng, Tòa án không triệu tập được thì tách phần bồi thường dân sự, giành quyền khởi kiện yêu cầu các bị cáo bồi thường khi các bị hại này có yêu cầu.