Song song với việc nhận diện, hoàn thiện và “bịt kín” những kẽ hở chính sách, các lực lượng Hải quan, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đang hợp sức tấn công loại tội phạm này, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong đấu tranh, triệt phá các tổ chức, đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Tăng cường năng lực phát hiện ma túy
Xác định một chuyên án, vụ việc bắt giữ ma túy chỉ thực sự thành công khi bắt giữ được tang vật và đối tượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội Nguyễn Trường Giang cho hay: Hải quan Hà Nội luôn chủ động, phối hợp với cơ quan Công an để phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy cùng tang vật và đối tượng.
Thời gian tới, nhằm đấu tranh hiệu quả hơn nữa với loại tội phạm này, Cục Hải quan Hà Nội đã đề nghị các lực lượng chức năng thường xuyên, kịp thời trao đổi về thông tin, phương thức, thủ đoạn mới của các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế lợi dụng các tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện để hoạt động; phối hợp kiểm soát, truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến.
“Mới đây, Cục Hải quan Hà Nội đã sử dụng máy ngửi ma túy. Đây là một phương tiện rất hiện đại có thể phát hiện chất cấm này trong các kiện hàng chuyển từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Loại máy này đòi hỏi phải bảo quản với kỹ thuật cao ở môi trường nghiêm ngặt, nếu không sẽ phản tác dụng. Do những quy định khắt khe, chỉ khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu khả nghi hoặc từ những nguồn tin khác, hải quan mới dùng máy này để kiểm tra", ông Nguyễn Trường Giang cho biết.
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/6, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phát hiện, bắt giữ: 46 vụ/50 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, thu giữ 4.237,8 gam và 7 bánh heroin, 1264,66 gam cần sa, hơn 258 kg, 74.493 viên ma túy tổng hợp... Trong đó nhiều chuyên án đã triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tăng cường công tác thu thập thông tin, tập trung lực lượng triển khai các kế hoạch, chuyên án về đấu tranh phòng, chống ma túy, tiền chất; kiểm soát các khâu trước, trong và sau thông quan. Ðặc biệt là trong khâu thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, hành lý và phương tiện xuất, nhập cảnh; không để các đối tượng lợi dụng luồng xanh, hàng vận chuyển độc lập, hàng quá cảnh hàng phi mậu dịch, hàng chuyển phát nhanh để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép các chất ma túy và tiền chất.
Cũng theo Cục Điều tra chống buôn lậu, song song với nắm tình hình xử lý tình huống ngay trên tuyến cửa khẩu, hiện nay, các đơn vị liên ngành hướng tới tập trung lực lượng chủ động chống ma túy thâm nhập từ xa, kể cả phối hợp triệt phá ngay trên nước bạn. Lực lượng Hải quan hiện đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống tội phạm ma túy.
Tại các địa bàn trọng điểm, có lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện và khách xuất, nhập cảnh lớn, lực lượng Hải quan sẽ tập trung sử dụng hiệu quả các thiết bị: máy soi container, soi người, soi hàng hóa, soi hành lý, máy kiểm tra ma túy, chó nghiệp vụ, camera giám sát… nhằm kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy, từ đó chủ động có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn.
Cơ quan Hải quan phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy trong hoạt động xuất nhập khẩu, không để thất thoát tiền chất, các dược phẩm, hóa chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy và hướng thần sử dụng sai mục đích, không để tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy bất hợp pháp.
Bịt kín những kẽ hở
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), với quan điểm ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, Cục C04 đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chuyên trách như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan và Công an các đơn vị, địa phương đổi mới và tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia.
Đặc biệt, C04 tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp lực lượng chức năng của các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới để trao đổi thông tin, xác lập đấu tranh chuyên án chung để đấu tranh với các đường dây ma túy xuyên quốc gia, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang trốn ở nước ngoài và của nước ngoài đang trốn ở Việt Nam.
Ngoài giảm nguồn cung ma túy từ bên ngoài, Cục sẽ chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng tăng cường đấu tranh triệt phá các đường dây phạm tội ma túy ở trong nước. C04 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nắm, quản lý địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện phạm tội về ma túy, không để lợi dụng địa bàn Việt Nam để sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Cục C04 sẽ thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát các nước, kịp thời thu thập thông tin, tình hình về các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam nghi vấn vận chuyển ma túy qua đường hàng không để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm; hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát, phát hiện ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện.
Đối với tuyến đường biển, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết: Hiện Việt Nam đang có lỗ hổng trong kiểm soát ma túy tuyến đường biển, với hàng trăm ngàn container tại các cảng như một “ma trận”. Việc kiểm soát rất khó khăn. “Với diễn biến mới của tình hình tội phạm ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy sẽ tiếp tục phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để kịp thời tham mưu với Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp thích hợp”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.
Khẳng định Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua mới đây là hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, ngăn ngừa việc vận chuyển rồi sản xuất, mua bán, trao đổi, sử dụng ma túy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết: Việt Nam hiện nay đang hợp tác rất tốt với quốc tế trong phòng, chống loại tội phạm này. Đặc biệt là hợp tác quốc tế đối với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Hiệp đồng với Cục C04, thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cho hay, trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến khó lường, tiềm ẩn lợi dụng tuyến đường biển vận chuyển ma túy trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ 3. Do đó, lực lượng Cảnh sát Biển sẽ tăng cường công tác thu thập tin tức, nắm tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, lực lượng sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, nhất là các vùng biển trọng điểm. Lực lượng tổ chức có hiệu quả tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy và kiểm soát tiền chất.
Liên quan đến những vấn đề trong hoạt động quá cảnh hàng hóa, theo thông tin mới đây từ Bộ Tài chính, Bộ này sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan thời gian tới tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đánh giá rủi ro, tự động phân luồng đỏ đối với các lô hàng, doanh nghiệp có độ rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngành Hải quan triển khai gắn Seal định vị điện tử đối với tất cả các container hàng hóa quá cảnh từ cửa khẩu đầu tiên đến cửa khẩu cuối cùng (đối với trường hợp container xếp nhiều tầng, nhiều lớp trên phương tiện để vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại bằng đường thủy nội địa sẽ gắn Seal định vị lên phương tiện vận tải) để phục vụ công tác giám sát, theo đúng quy định.
Ngành ban hành Quy trình thí điểm về nghiệp vụ quản lý, sử dụng Seal định vị điện tử trong giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container. Cơ quan Hải quan sẽ đánh giá rủi ro và chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét đối với các container, phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, không đi đúng tuyến đường và không đúng thời gian quy định.