Thế nhưng những chính sách thông thoáng theo tập quán quốc tế này đang bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để buôn bán, vận chuyển ma túy vào nội địa.
Bài 1: Những “kẽ hở” nguy hiểm
Cuộc đấu tranh phòng chống, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào nội địa đang ngày càng khốc liệt. Với “trăm phương ngàn kế” cùng những thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đang tìm mọi cách biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ, địa bàn trung chuyển đi nước thứ ba. Chưa khi nào, tình hình lợi dụng các chính sách thông thoáng của Việt Nam để mua bán, vận chuyển trái phép “cái chết trắng”- nhất là trên tuyến đường hàng không và tuyến đường biển, lại diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng về tính chất và mức độ như hiện nay.
Lợi dụng chính sách
Hàng quá cảnh - theo Luật Thương mại 2005, là những loại hàng được vận chuyển hàng hóa từ nước này hay nước khác qua lãnh thổ Việt Nam trong thời gian quy định. Tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018//NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, hàng quá cảnh phải niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển và đảm bảo nguyên trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển qua lãnh thổ Việt Nam. Thực tế thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức hàng quá cảnh từ Việt Nam sang các quốc gia, vùng lãnh thổ khác để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, thậm chí là vận chuyển, buôn bán ma tuý.
Hiện cả nước có 129 doanh nghiệp hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc đi Lào, Campuchia với hàng chục nghìn container mỗi năm. Bên cạnh những lợi ích như tạo việc làm, thu nhập cho một số bộ phận lao động, nguồn thu đáng kể của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cả… ma túy qua lãnh thổ Việt Nam. Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra hai container hàng hóa thuộc loại hình quá cảnh đã phát hiện và thu giữ 7,5 tấn tiền chất ma túy; kiểm tra lô hàng quá cảnh của Công ty CP Vận tải quốc tế KA đứng tên trên tờ khai, phát hiện, bắt giữ 15,8kg ma túy đá.
Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã cho thấy: Trường hợp phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sẽ thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại Điều 29 Thông tư số 39/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, thực tế hàng quá cảnh thời gian qua đều đóng trong container được gắn niêm phong của hãng vận tải, đa số đều quá cảnh nguyên container, một số ít sang tải tại bãi. Do vậy, việc xác định dấu hiệu vi phạm để chuyển luồng kiểm tra thực tế là rất khó!
Nhận định về tình hình nêu trên, một cán bộ có nhiều kinh nghiệm của Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) cho hay: Đối với loại hình hàng hóa, phương tiện quá cảnh, chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan. Lợi dụng chính sách này, tội phạm ma túy đã cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, đối với hàng tạm nhập - tái xuất, tội phạm lợi dụng để cất giấu ma tuý vào hàng hóa đựng trong các container, vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.
Không chỉ có hàng quá cảnh, hàng tạm nhập - tái xuất, theo đánh giá của các ngành chức năng, các chính sách thông thoáng trong thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế đã bị các đối tượng tội phạm đưa vào “tầm ngắm”. Thời gian qua, ngành Hải quan đã phát hiện nhiều đối tượng lợi dụng những quy định, chính sách về thông quan hàng hóa, chuyển phát nhanh, thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS), phân luồng hải quan và miễn kiểm tra đối với luồng xanh, luồng vàng… để buôn bán, vận chuyển ma túy.
Diễn biến khó lường
Cùng với việc đầu tư mở rộng các Cảng hàng không ở Việt Nam và những yêu cầu đòi hỏi đơn giản hóa các thủ tục hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện đang có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Sự việc trở nên phức tạp trong bối cảnh từ năm 2019 đến nay do tình hình dịch COVID-19, công tác quản lý nhà nước và các hoạt động quản lý dịch bệnh của cơ quan chức năng được nâng cao, việc hành khách đi lại bị hạn chế nhưng số lượng hàng hóa chuyển về qua các tuyến này lại tăng nhiều, nhất là các tuyến hàng không quốc tế.
Cũng như tuyến hàng không, những năm gần đây, tuyến đường biển đang nổi lên như tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy. Như đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy: Việt Nam đang có lỗ hổng trong kiểm soát ma túy tuyến đường biển. Với hàng trăm ngàn container tại các cảng như một “ma trận”, việc kiểm soát ma túy là rất khó khăn. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các đối tượng còn sử dụng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy. Qua trao đổi với Cảnh sát các nước, có thể có những chuyến hàng đi qua vùng biển của Việt Nam, tuy nhiên việc phát hiện, bắt giữ rất khó khăn.
Điều đó có thể thấy từ việc lực lượng chức năng thời gian qua đã phát hiện, đấu tranh khám phá nhiều đường dây xuyên quốc gia vận chuyển trái phép các chất ma túy qua các tuyến này. Đáng báo động, cơ quan Hải quan đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện tội phạm ma túy sử dụng tuyến đường mới (Việt Nam đi Hàn Quốc) để vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Trước diễn biến phức tạp đó, Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết: Có thể thấy, các đối tượng nghiên cứu rất kỹ các chính sách, quy định của Việt Nam rồi lợi dụng. Để phát hiện, triệt phá các đường dây này rất khó khăn. Chúng đã tận dụng công nghệ bằng cách sử dụng các mạng xã hội hiện đại để liên lạc như Viber, Wechat, zalo, facebook, đồng thời không sử dụng tiền mặt trong giao dịch. Chúng chuyển khoản thông qua qua các tài khoản tiền ảo trên mạng.
Minh chứng mới đây, trong vụ triệt xóa tổ chức tội phạm vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn, do nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh điều hành nhận và tiêu thụ. Các đối tượng tạo vỏ bọc để lập doanh nghiệp rồi thuê nhà xưởng, lập kho đông lạnh. Chúng cho ma túy vào dạ dày lợn thịt trôi nổi trên thị trường rồi ép chân không, sau đó mua thịt sạch và đem số thịt sạch này kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm xong, rồi trộn hai loại thịt với nhau và “đóng lúa”, tức là đóng dấu kẹp chì, đưa hàng hóa lên container và làm thủ tục thông quan hàng hóa. Thủ đoạn đó là để tránh sự phát hiện cơ quan chức năng. Bởi nếu các cơ quan kiểm soát nghi vấn lô hàng muốn kiểm tra phải ký cam kết, trường hợp không phát hiện có vi phạm phải đền, bồi thường toàn bộ số hàng hóa này.
“Đây là thủ đoạn rất xảo quyệt của tội phạm. Chúng đã tính toán và lựa chọn hàng đông lạnh để nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Loại hàng hóa này nếu bỏ ra khỏi container đông lạnh, chỉ một thời gian ngắn rã đông hết”- Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Nhận định về những diễn biến phức tạp, khó lường này, Thượng tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết: Trong điều kiện đang phải phát triển đất nước, chúng ta phải tạo hành lang thông thoáng về chính sách để doanh nghiệp được thuận lợi nhất đầu tư vào, mục đích cũng là xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đó, tội phạm về ma túy đã nghiên cứu và thấy một số mặt hàng được sự ưu đãi, ưu ái của của luật pháp mà chúng có thể lợi dụng. Như trong phân luồng hải quan, về cơ bản hiện nay, Hải quan Việt Nam áp dụng 3 luồng là xanh, vàng và đỏ. Tùy trường hợp cụ thể mà hàng hóa được xếp vào luồng nào.
Phân vào luồng xanh là hàng hóa thông dụng được ưu tiên miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Phân vào luồng vàng là kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Luồng đỏ là kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.
“Các đối tượng tội phạm đã nghiên cứu và tìm cách được phân hàng hóa ưu tiên vào luồng xanh để chúng độn trộn ma túy cũng như đưa các tiền chất, hóa chất và thành lập, xây dựng các nhà máy, kho xưởng rất lớn ở Bình Định, Kon Tum để sản xuất ma túy”, Thượng tá Chu Văn Phú lo ngại nói./.
Bài 2: Mối liên kết 'ma quỷ'