Đắk Lắk: Thủy lợi nhiều nhưng hiệu quả thấp

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 643 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm 516 hồ chứa, 81 đập dâng, 45 trạm bơm, một hệ thống đê bao với nhiệm vụ chính là cấp nước tưới cho các loại cây trồng như: Lúa, cà phê, ngô, rau màu và một phần cấp nước sinh hoạt cho một số vùng dân cư.

Một góc hồ thủy lợi Ea súp thượng.


Qua số liệu thống kế, các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới đáp ứng 72% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới với 125.000 ha cây trồng; trong đó có 74.000 ha lúa nước 2 vụ, 46.000 ha cà phê và trên 5.000 ha cây trồng cạn khác. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, xét về hiệu quả tưới, các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới phát huy được khoảng 65% năng lực thiết kế, thậm chí có nhiều công trình như hồ Buôn Jơn (huyện Lắk), hồ Đắk Minh (huyện Buôn Đôn)... chỉ mới đạt ở mức 39 - 40% năng lực thiết kế.

Nguyên nhân của các công trình thủy lợi trên địa bàn ít phát huy tác dụng là do có quá nhiều chủ quản lý, khai thác, đặc biệt là trình độ và kinh nghiệm về chuyên môn chênh lệch nhau quá nhiều, phần lớn cán bộ không có chuyên môn quản lý. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, nơi có đông đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý khai thác công trình thủy lợi chỉ quản lý 11 hồ chứa (chiếm xấp xỉ 2% trong tổng số hồ chứa), số hồ chứa và các công trình thủy lợi khác còn lại đều do các UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, các đơn vị vườn quốc gia, công ty cà phê quản lý. Cán bộ quản lý chưa thể hiện được hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi. Mặt khác, phần lớn các công trình thủy lợi xây dựng đã quá lâu (từ 15 đến 20 năm trở lên) trong khi đó, hàng năm, tỉnh đều thiếu kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng; ý thức sử dụng nước, bảo vệ các công trình thủy lợi của đồng bào các dân tộc chưa cao dẫn đến nhiều công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng; quá trình vận hành không phù hợp làm thất thoát nước tưới, không phát huy hiệu quả của các công trình.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, do đầu tư không đồng bộ, chỉ xây dựng công trình đầu mối, còn kênh mương là kênh đất hoặc chỉ xây dựng được một đoạn kênh... nên không phát huy hết công suất thiết kế các công trình thủy lợi. Cụ thể, giai đoạn 2000 đến 2010, tỉnh Đắk Lắk cần kiên cố hóa 1.033,8 km kênh mương từ loại một đến loại ba, thế nhưng, đến nay, tỉnh cũng chỉ mới đầu tư xây dựng được 282,5 km, trong đó có 157 km kênh loại một và loại hai còn lại 125,5 km loại ba.

Mới đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua đề án về chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011-2015. Theo đề án, từ nay đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk đầu tư 600 tỷ đồng tiếp tục kiên cố 479,5 km kênh mương dẫn nước từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, nhằm góp phần đảm bảo đủ nước tưới cho trên 75% diện tích các loại cây trồng có nhu cầu tưới. Trước mắt, tỉnh ưu tiên đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương dẫn nước của các công trình thủy lợi ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình tưới dưới 150 ha...

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN