Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, lực lượng chức năng đã tổ chức phá dỡ nhiều hạng mục như: Trại tạm (xây tường gạch, khung sắt, diện tích khoảng 20 m2), cổng gỗ, sạp gỗ, nhà vệ sinh, tiểu cảnh… Đây là những hạng mục được chủ đất xây dựng không phép trên diện tích đất rừng để kinh doanh du lịch sinh thái.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, trước khi cưỡng chế, UBND phường đã họp với chủ rừng giao khoán và thống nhất dành 15 ngày để lập hồ sơ xin cơ quan có thẩm quyền đồng ý, cấp phép xây dựng. Tuy nhiên hết thời hạn trên, chủ rừng giao khoán vẫn không hoàn thiện được hồ sơ, giấy phép. Do đó, địa phương tiến hành cưỡng chế, phá dỡ các hạng mục vi phạm.
Theo báo cáo của UBND phường Hòa Hiệp Bắc, từ đầu tháng 3/2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện ông Nguyễn Như Tiến (đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật liệu xây dựng Tiến Thành Vũ, chủ khu Thủy Vân Sơn 2) tự ý xây dựng nhiều công trình, hạng mục trái phép trên đất rừng được giao khoán. Tổ công tác của phường đã lập biên bản, đề nghị ông Tiến tự tháo dỡ công trình trái phép. Tuy nhiên sau đó, ông Tiến không chấp hành tự tháo dỡ theo cam kết; đồng thời tiếp tục vi phạm, lắp dựng thêm một số hạng mục khác. Sau khi tổng hợp các hành vi, mức độ vi phạm, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã ban hành Thông báo số 327/TB-UBND ngày 19/3/2024 về việc tổ chức lực lượng cưỡng chế công trình vi phạm ở khu vực trên.
Theo hồ sơ, từ ngày 7/10/2002, hộ ông Nguyễn Như Tiến được Ban Quản lý Rừng đặc dụng Nam Hải Vân giao khoán tại Hợp đồng giao khoán số 7/10/2002/HĐGK, thuộc Tiểu khu 11 với diện tích 5.500 m2 để trồng rừng, chăn nuôi. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đo đạc lại khu đất cho thấy, ông Nguyễn Như Tiến đang sử dụng 13.700 m2 đất rừng, tăng 8.200 m2 so với diện tích giao khoán trước đây.
Trước đó, phóng viên TTXVN đã phản ánh nhiều bất cập về bảo tồn và gìn giữ thiên nhiên tại khu vực suối Lương (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc cho biết, địa phương đang lập phương án quy hoạch chi tiết để triển khai các giải pháp bảo vệ, gìn giữ dòng suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Lãnh đạo quận Liên Chiểu đã yêu cầu UBND phường Hòa Hiệp Bắc thống kê toàn bộ các hộ dân đã nhận giao khoán đất rừng trồng hai bên bờ suối Lương từ hàng chục năm trước. Những hộ dân muốn tham gia kinh doanh du lịch sinh thái dưới tán rừng phải lập phương án quản lý rừng bền vững, ghi rõ tỷ lệ diện tích, hoạt động theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017... Trên cơ sở đó, các hộ dân cố tình làm trái quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên sẽ bị xử lý theo pháp luật.../