Hà Nội: Sẽ cưỡng chế 58 hộ dân để thực hiện Dự án Gò Đống Thây

Theo đại diện lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội), từ ngày 25 đến ngày 27/3/2024, các lực lượng chức năng của quận sẽ tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung. Theo đó, khu đất nằm trong chỉ giới phải thu hồi thuộc ngõ 12, đường Khuất Duy Tiến gồm 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, trong số 58 hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị cưỡng chế, có 49 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình, 9 trường hợp cắt xén (gồm 1 nhà B1, 1 nhà G2, 34 nhà G1, 22 nhà tạm).

Cụ thể, theo kế hoạch, ngày 25/3, quận sẽ tổ chức cưỡng chế đối với 20 hộ gia đình, cá nhân, gồm: 10 nhà G1 và 10 nhà tạm. Trong đó, 18 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 1 trường hợp cắt xén, tháo dỡ một phần công trình; 1 trường hợp cắt xén phần diện tích còn lại không đủ điều kiện tồn tại.

Ngày 26/3, quận sẽ tổ chức cưỡng chế đối với 22 hộ gia đình, cá nhân, gồm: 11 nhà G1 và 11 nhà tạm. Trong đó, 15 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 4 trường hợp cắt xén, tháo dỡ một phần công trình; 3 trường hợp cắt xén phần diện tích còn lại không đủ điều kiện tồn tại. 

Ngày 27/3, quận tiếp tục tổ chức cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình đối với 16 hộ gia đình, cá nhân gồm: 13 nhà G1, 1 nhà tạm, 1 nhà B1, 1 nhà G2.

UBND quận Thanh Xuân yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình, tiếp tục vận động, tuyên truyền, đối thoại với hộ gia đình, cá nhân bị cưỡng chế; việc cưỡng chế phải chấp hành và tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Quận cương quyết xử lý kịp thời các trường hợp cản trở việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước, trong và sau khi cưỡng chế.

Theo Kế hoạch số 84/KH - UBND ngày 21/2/2024 của UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Thanh Xuân Trung chủ trì phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện việc thông báo Kế hoạch cưỡng chế và tuyên truyền, vận động thuyết phục, đối thoại với hộ dân bàn giao mặt bằng; cung cấp, thông tin tình hình tuyên truyền vận động các đối với các hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận để các đơn vị liên quan được biết, phối hợp tham mưu UBND quận chỉ đạo giải quyết.

Trường hợp hộ gia đình đồng thuận nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt và đề nghị bàn giao mặt bằng trước ngày tổ chức cưỡng chế, UBND phường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tiến hành lập biên bản và tổ chức nhận, phá dỡ công trình ngay không đợi đến ngày tổ chức cưỡng chế.

Bên cạnh đó, UBND phường Thanh Xuân Trung phải rà soát để đảm bảo thực hiện cưỡng chế đúng đối tượng, tổ chức thống kê số lượng người cư trú; chỉ đạo Công an phường kiểm tra hành chính và yêu cầu những người thuê nhà, người cư trú bất hợp pháp phải di chuyển ra khỏi địa chỉ đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất; đồng thời, có văn bản gửi đến cơ quan cung cấp điện và nước để ngừng cung cấp dịch vụ trước ngày tổ chức cưỡng chế.

Trước đó, ngày 21/7/2023, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức đối thoại với các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng khẳng định, trình tự, thủ tục triển khai Dự án đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư công và quản lý di sản. Lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng nhấn mạnh việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây trở thành "Công viên văn hóa lịch sử" là rất cần thiết, bởi với hiện trạng hiện nay, di tích Gò Đống Thây không phát huy được hết các giá trị to lớn và quý giá vốn có. 

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Thanh Xuân, Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây sẽ tu bổ Gò số 1 và Gò số 3; xây dựng mới miếu thờ, bổ sung bia và biển tại Gò số 2; xây dựng mới các hạng mục công trình (nhà quản lý, trưng bày 5 gian, 4 Gò mô phỏng; các hạng mục phụ trợ). 

Di tích Gò Đống Thây có ý nghĩa về mặt giá trị lịch sử, với không gian rộng và cây xanh phủ mát. Đây sẽ là một di tích, một công viên có ý nghĩa lịch sử ở phía Tây Hà Nội, là nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn và giữ gìn bản sắc dân tộc cho các thế hệ mai sau. Di tích có vai trò quan trọng trong hệ thống di sản lịch sử của quận Thanh Xuân nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Di tích nằm ở vị trí trung tâm, gần đường vành đai 3, có tiềm năng to lớn về du lịch, tham quan, nghiên cứu cho đông đảo người dân trong nước và quốc tế. Vì vậy, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử khu Gò Đống Thây là rất cần thiết và cấp bách.

Linh Khánh (TTXVN)
Đắk Nông cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất rừng thông ven đường Hồ Chí Minh
Đắk Nông cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất rừng thông ven đường Hồ Chí Minh

Trong các ngày 21 - 22/2, UBND xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phối hợp các lực lượng liên ngành tiến hành cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất rừng thông ven đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ), đoạn qua địa bàn xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN