Cựu Trưởng phòng An ninh kinh tế Bình Dương bị cáo buộc chiếm đoạt 23 tỷ đồng

Ngày 6/5, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Minh Kiên (42 tuổi), cựu Trưởng phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Bình Dương) về hai tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Bị can Kiên bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ngày 30/11/2023 để phục vụ điều tra.

Theo cáo trạng, ngày 13/5/2020, Nguyễn Minh Kiên được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bình Dương. Thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu về găng tay y tế tăng cao, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.

Bà N.T.T, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội, có nhu cầu mua găng tay y tế và đã liên hệ với Công ty K.H (trụ sở tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương) nhưng bị từ chối. Qua mối quan hệ xã hội, bà T tìm đến ông Kiên để nhờ can thiệp.

Nhận lời, Kiên chỉ đạo cấp dưới liên hệ Công ty K.H đề nghị bán hàng cho bà T, nhưng tiếp tục bị từ chối. Sau đó, Kiên đề nghị bà T tìm cách mua găng tay qua đại lý cấp 1 của Công ty K.H. Ngày 13/6/2020, khi bà T vận chuyển lô hàng đã mua, Kiên tổ chức bắt quả tang theo kế hoạch đã chuẩn bị từ trước.

Thay vì lập biên bản, Kiên chỉ đạo đưa lô hàng về cất giữ tại nhà trọ của một cán bộ cấp dưới. Sau đó, ông Kiên xin ý kiến Giám đốc Công an tỉnh để “mở rộng điều tra” vụ việc, rồi chỉ đạo triệu tập đại diện Công ty K.H và các đại lý để gây sức ép, buộc nhượng lại số găng tay đã mua, ngừng ký hợp đồng mới, qua đó tạo điều kiện để công ty của bà T được ký hợp đồng trực tiếp với Công ty K.H.

Sau khi hoàn thành phi vụ, Kiên yêu cầu bà T đưa 100 triệu đồng “cảm ơn” và đã nhận tiền tại trụ sở Công an tỉnh Bình Dương.

Thấy bà T tin tưởng, Kiên tiếp tục yêu cầu bà này đưa thêm 1 triệu USD (tương đương 23 tỷ đồng) để “biếu lãnh đạo”. Bà T đã đồng ý và giao tiền làm hai đợt: đợt 1 ngày 17/7/2020 giao 13 tỷ đồng tại Quốc lộ 13 (TP Hồ Chí Minh), đợt 2 ngày 19/7/2020 giao 10 tỷ đồng trước cổng một khách sạn ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Ngoài ra, Kiên còn yêu cầu bà T mua 6 điện thoại Samsung (mẫu mới nhất) để “tặng lãnh đạo”. Bà T đã mua 7 điện thoại với tổng trị giá 154 triệu đồng, trong đó giữ lại 1 chiếc sử dụng và giao 6 chiếc còn lại cho Kiên.

Theo cáo trạng, có 2 Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã nhận điện thoại. Tuy nhiên, trước khi vụ việc bị phát hiện, cả hai đã nộp lại cho Thanh tra Công an tỉnh và được xử lý theo quy định.

Mặc dù không thừa nhận hành vi, cơ quan điều tra đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định bị can Kiên đã nhận 23 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật có giá trị từ bà T.

Một số nội dung tố cáo khác liên quan đến việc Kiên nhận tiền từ các cá nhân, tổ chức cũng được điều tra, nhưng hiện chưa đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội.

Huyền Trang (TTXVN)
Triệt phá sàn giao dịch lừa đảo chiếm đoạt 300 tỷ đồng
Triệt phá sàn giao dịch lừa đảo chiếm đoạt 300 tỷ đồng

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an triệt phá thành công chuyên án, đánh sập sàn giao dịch ngoại hối (một loại phương tiện trao đổi tiền tệ này sang một loại tiền tệ khác) Verbo Capital có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 300 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước; đồng thời, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN