Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) 7 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”, Nguyễn Văn Thới 13 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân 3 năm 6 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". 7 bị cáo đồng phạm còn lại bị tuyên phạt thấp nhất là 1 năm 8 tháng 25 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) tới cao nhất là 9 năm tù, cùng về tội "Đưa hối lộ".
Theo nội dung vụ án, trong thời gian kinh doanh vận tải, hai nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) đã đưa hối lộ cho các Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để những người này bỏ qua lỗi vi phạm quá tải đối với những xe có mang logo "68," logo “Garage Thành Đô” và logo “Xe chở hàng".
Các bị cáo còn bán các logo này cho các chủ xe tải khác để thu lợi rồi dùng tiền đó để hối lộ cơ quan chức năng. Từ năm 2014-2015, đường dây của Thới đã bán logo cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỉ đồng. Đường dây của Vân thu gần 8 tỉ đồng từ việc bán logo, đưa hối lộ gần 630 triệu đồng; nộp phạt cho các xe vi phạm, còn lại hưởng lợi gần 1,6 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định các bị cáo thành khẩn khai báo, nộp lại một phần hoặc toàn bộ tiền thu lợi bất chính, nên có mức án giảm nhẹ. Đối với các Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông mà các bị cáo khai là nhận tiền của Vân, Thới để bỏ qua lỗi xe quá tải đối với các xe có “logo xe vua” do Vân và Thới tổ chức in, bán, Hội đồng xét xử nhận định ngoài lời khai của các bị cáo, không có chứng cứ vật chất nào chứng minh các Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông nhận tiền nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Hội đồng cũng chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát về kiến nghị lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cần có biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh khắc phục những lỗ hổng để tránh tình trạng tương tự như vụ án "logo xe vua" xảy ra trong tương lai.
Đây là vụ án đã điều tra, xét xử qua nhiều năm, được quan tâm do có dư luận cho rằng các bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ mà không có người nào bị truy tố về tội nhận hối lộ là không hợp lý. Xét xử sơ thẩm lần 1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù về tội môi giới hối lộ; Nguyễn Văn Thới 14 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù về tội đưa hối lộ. Các bị cáo còn lại có mức án từ 1 năm 6 tháng 23 ngày tù đến 10 năm tù về tội "Đưa hối lộ".
Ngày 21/10/2019, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Khi đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hành vi của các bị cáo về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ là đúng người, đúng tội nhưng về kết luận cho rằng không có cơ sở xử lý những người mà các bị cáo khai đã đưa hối lộ, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, có dấu hiệu cho thấy cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Hồ sơ vụ án đã thể hiện danh sách các cán bộ Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông liên quan, thông qua vào lời khai của các bị cáo và Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng thu thập được một số chứng cứ như: Số điện thoại, tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ, nhận dạng… Việc các cơ quan điều tra, tố tụng cấp sơ thẩm nhận định rằng những cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận hối lộ để không truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi nhận hối lộ là không phù hợp.