Việc phòng và chống dịch tại Việt Nam đang hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của những người nhiễm bệnh. Từ khai báo của các bệnh nhân, cơ quan phòng chống dịch mới khoanh vùng, kiểm tra và cách ly những người có tiếp xúc F1, F2…Thế nhưng thời gian qua, cũng có những ca bệnh gian dối khai báo lịch trình, ví dụ ca nhiễm COVID-19 số 17 từ đầu đã không khai báo lịch sử di chuyển khi nhập cảnh nên cơ quan chức năng đã cho nhập cảnh cả chuyến bay. Hậu quả là từ ca nhiễm số 17 này đã lây nhiễm cho những người khác và phải cách ly cả khu phố Trúc Bạch (Hà Nội).
Mới đây nhất là ca mắc COVID-19 số 34 ở Bình Thuận, ca nhiễm này đang được gọi là "siêu lây nhiễm" bởi bệnh nhân này đã không khai báo trung thực (hoặc không thể nhớ được hết lịch trình của mình cũng như những người mình từng gặp trong 10 ngày qua) dẫn đến hàng chục người khác bị lây nhiễm và hàng trăm người đang bị cách ly, chờ xét nghiệm xem có dương tính với COVID-19 hay không?
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), nếu không công khai thông tin người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt, tiếp xúc với những ai để người dân chủ động phòng chống, khai báo, cách ly thì việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn.
“Theo quy định tại các Điều 32, Điều 38 Bộ luật dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, Luật dân sự cũng quy định được phép sử dụng hình ảnh cá nhân,công khai thông tin liên quan đời sống riêng tư vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin cá nhân tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Những thông tin, hình ảnh mang tính tiêu cực như kỳ thị người nhiễm bệnh, xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân, gia đình và công việc… Do đó, việc các cơ quan chức năng thông tin về nhân thân người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt tiếp xúc với những ai là cần thiết trong việc phòng chống dịch bệnh hiện nay đang có sự lây lan trong cộng đồng.
Quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, các thông tin này không mang tính tiêu cực mà vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trường hợp nếu không công khai thông tin người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt, tiếp xúc với những ai để người dân chủ động phòng chống, khai báo, cách ly thì việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn.
Tuy nhiên, trong trường hợp người dùng mạng xã hội lợi dụng thông tin, hình ảnh bệnh nhân hay của người đang cách lý để chửi bới, xúc phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể: Nếu hành vi chửi bới, đe dọa làm cho người bị đe dọa lo sợ và nghĩ việc làm này sẽ được thực hiện, thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Còn nếu những lời lăng mạ, xúc phạm hay đe dọa không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 167/2013.
Còn luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội cho hay: Theo quy định pháp luật, quyền tự do về hình ảnh, quyền bảo vệ đời tư bí mật cá nhân được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Về quyền tự do của cá nhân, khi ai muốn xâm phạm trái pháp luật sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, quyền tự do thông tin nhân thân, quyền tự do hình ảnh của cá nhân sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp vì an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Một số trường hợp danh tính của cá nhân, hình ảnh của công dân sẽ được công khai để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn công cộng. Vì thế trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể căn cứ vào quy định của bộ Luật Dân sự về tự do hình ảnh, thông tin cá nhân, trong một số trường hợp vì an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, an toàn công cộng có thể công khai danh tính cá nhân, hạn chế quyền tự do về nhân thân của người đó.
Đối với những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện không hợp tác đối với các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh thì các cơ quan này có thể công bố danh tính của bệnh nhân, để những người từng tiếp xúc biết được bệnh nhân đã nhiễm virus để khai báo chính xác, kịp thời, đảm bảo an toàn cho cá nhân người bệnh và những người xung quanh.
Điển hình như trường hợp có biểu hiện gian dối, giấu diếm lịch trình đi lại như trường hợp bệnh nhân thứ 17 mắc COVID-19, thì cần phải công bố công khai danh tính để rà soát những người đã tiếp xúc với người này ở đường lây F1, F2, F3, F4.
“Khi tình trạng dịch bệnh khó kiểm soát thì mỗi công dân cần phải có nhật ký từng ngày đã đi những đâu, gặp những ai, tiếp xúc với người nào. Bởi bất cứ công dân nào không phân biệt lứa tuổi, thành phần, địa vị xã hội đều có nguy cơ mắc COVID-19. Khi xuất hiện các biểu hiện mắc bệnh, từng tiếp xúc với người đã xác định mắc COVID-19, bản thân mỗi người dân phải khai báo ngay với các cơ quan chức năng đã tiếp xúc với những ai để xác định những người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc…Từ đó có biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.