Câu chuyện không có thật trên đã gây chấn động mạng xã hội và được hàng chục ngàn người chia sẻ, đa phần đều cảm phục trước hành động của “bác sĩ Trần Khoa”.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, nhóm của "bác sĩ Khoa" có nick Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra. Hình ảnh đại diện trên Facebook của “bác sĩ Khoa” được tài khoản trên lấy từ hình ảnh của một tiến sỹ chuyên về nha khoa ở Singapore. Các thành viên “bác sĩ Khoa” sau khi đăng bài, tag các Facebook như: PhongLam, Thy Nguyễn… đã “biến mất” sau khi sự việc được phanh phui.
“Sự việc diễn ra vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất nhiều bác sỹ đang tham gia phòng chống dịch bệnh vất vả, hy sinh cuộc sống cá nhân, thậm chí hy sinh cả tính mạng, thì lại xuất hiện những thông tin giả mạo, gian dối để chiếm đoạt tài sản, gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của con người vào lòng trắc ẩn”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Với sức lan tỏa nhanh chóng của câu chuyện này, chắc chắn sẽ có nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng này. Theo ý kiến luật sư, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015 để điều tra làm rõ; đồng thời, đăng thông tin công khai để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 BLHS năm 2015. Số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Sau khi biết các thông tin trên là giả, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã bày tỏ sự bức xúc và đề nghị cơ quan Công an cần vào cuộc xử lý thật nặng những hành vi đăng tin giả, thậm chí vi phạm quyền cá nhân đời tư để trục lợi trong lúc người dân đang mệt mỏi vì dịch bệnh. Nhiều luật sư cho rằng, mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội đều phải xử lý nghiêm minh theo tinh thần của văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Liên quan đến thông tin trên, chiều 9/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ”. Hai chủ tài khoản facebook này thừa nhận, do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, đã vô ý chia sẻ thông tin theo nội dung đăng tải trên tài khoản facebook “Trần Khoa”.