Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án đối với các bị cáo về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Lê Xuân Giang (sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt) tù chung thân; Lê Văn Tú (sinh năm 1985, Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) từ 19 - 20 năm tù; Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1970, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) từ 17 - 19 năm tù. Bốn thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị các mức án gồm: Lê Thanh Sơn (sinh năm 1988) từ 14 - 15 năm tù; Trịnh Xuân Sáng (sinh năm 1975) từ 15 - 16 năm tù; Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1967) và Vũ Thị Hồng Dung (sinh năm 1974) cùng bị đề nghị từ 12 - 13 năm tù.
Bản luận tội nêu rõ, Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP và Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt) đều do Lê Xuân Giang là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện theo pháp luật. Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh bán hàng đa cấp đối với các sản phẩm hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, các bị cáo Lê Xuân Giang (là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty), Lê Văn Tú (là Tổng Giám đốc công ty), Nguyễn Thi Thủy (là Trưởng nhóm Quản lý phát triển thị trường, kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh), Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường (là các thành viên Nhóm Quản lý phát triển thị trường) đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng, cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, như: Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP; Công ty BPQ là Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng, là công ty của Bộ Quốc phòng, Lê Xuân Giang và các lãnh đạo của công ty là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng; Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được lãnh đạo Nhà nước, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho công ty và cho các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện... Tuy nhiên, thực chất các Bằng khen, giấy chứng nhận đều do chính Lê Xuân Giang đặt làm giả.
Song song với việc tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, các bị cáo: Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, nhằm được hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ thưởng hoa hồng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị cáo này đặt ra.
Để lôi kéo, chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt, các bị cáo đã đặt ra những quy định trái pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp như: Chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng. Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền lôi kéo người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, với chế độ trả thưởng hoa hồng (gồm 8 loại) hứa hẹn sẽ cho các bị hại lên tới trên 65% /tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Cùng với việc thuyết trình, quảng cáo tạo lòng tin sai sự thật về Công ty Liên Kết Việt, bị cáo Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường còn đặt ra và triển khai liên tục trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương trình khuyến mại, chương trình thi đua kích cầu chạy song hành với việc chi trả hoa hồng, đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp vào Công ty Liên Kết Việt 7 triệu đồng (sau là 8,6 triệu đồng) sẽ nhận được tiền thưởng lên tới 409 triệu đồng, nếu lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ nhận được quà thưởng là ô tô trị giá tới 1 tỷ đồng, nhà trị giá 1,8 tỷ đồng, tặng đi du lịch nước ngoài, được lên chức phó phòng, trưởng phòng, giám đốc được hưởng lương tháng, được ăn chia phần trăm số tiền thu được do các bị hại nộp vào tới 10 tỷ đồng mỗi tháng...
Bằng những hình thức này, các bị cáo đã mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp, lôi kéo được nhiều bị hại đóng tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt. Các bị cáo: Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú và Nguyễn Thị Thủy còn cho mở nhiều đại lý của Công ty Liên Kết Việt tại các tỉnh, thành phố, trong đó quy định về quyền lợi áp dụng cho các Trưởng Chi nhánh, Văn phòng đại diện, Đại lý để khuyến khích các đối tượng này lôi kéo thêm nhiều bị hại tham gia tại các địa phương.
Đại diện Viện Kiểm sát kết luận, với cách thức, thủ đoạn gian dối nêu trên, sau hơn một năm hoạt động (từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015) bị cáo Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố, tham gia nộp tiền kinh doanh bán hàng đa cấp vào Công ty Liên Kết Việt, thu được hơn 2.091 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền Lê Xuân Giang đã chi thực tế, số tiền các bị cáo còn chiếm đoạt của hơn 68.000 người là trên 1.121 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định được 6.053 người bị hại trong vụ án, có đầy đủ thông tin địa chỉ, đã nộp cho Công ty Liên Kết Việt hơn 584 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền họ được trả thưởng hoa hồng, số hàng hóa họ nhận, số tài sản được nhận thưởng… còn lại Lê Xuân Giang cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của 6.053 bị hại là hơn 391 tỷ đồng.
Trong số các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát xác định, tổng cộng số tiền Lê Xuân Giang đã chiếm đoạt sử dụng cá nhân là hơn 862 tỷ đồng. Bị cáo Giang phải có trách nhiệm bồi thường số tiền này.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội như trên. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thủy không thừa nhận là Phó Tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt cũng như là Trưởng nhóm quản lý phát triển thị trường (gọi tắt là nhóm Ê kíp), phụ trách kinh doanh và điều hành hoạt động các thành viên của nhóm Ê kíp. Thủy khai không tham gia xây dựng các chương trình hoa hồng, khuyến mại do công ty đã có từ trước, không tham gia tổ chức các sự kiện, đại hội hoa hồng của Công ty Liên Kết Việt. Thủy chỉ làm tư vấn cho khách hàng tại Công ty Liên Kết Việt nhưng không giới thiệu Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt, các lãnh đạo, sản phẩm đa cấp của công ty là của Bộ Quốc phòng. Thủy không thừa nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giống như bị cáo Thủy, bị cáo Lê Văn Tú không thừa nhận là Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt, không tham gia chỉ đạo nhóm Ê kíp và các phòng kế toán, bộ phận IT của Công ty Liên Kết Việt, bị cáo chỉ làm một số việc phát sinh do chú ruột là bị cáo Lê Xuân Giang nhờ do là công ty gia đình, bị cáo chỉ làm Phó Tổng giám đốc Công ty BQP phụ trách sản xuất. Số tiền 61,9 tỷ đồng do bị cáo Giang đưa cho bị cáo nhờ góp vốn vào Công ty IDT của Phạm Thanh Hải, bị cáo Tú khai không thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu điều tra, xác minh đã thu thập được, lời khai của các bị cáo khác và của chính bị cáo tại phiên tòa, lời khai của những người liên quan, người làm chứng, lời khai của các bị hại, kết luận giám định cùng các tài liệu khác… đại diện Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng đã truy tố.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo, các luật sư bào chữa đã tham gia tranh luận tại phiên tòa.